Nếu như giai đoạn 2011-2015, số lượng các bài báo công bố ISI tăng nhanh, tiệm cận ở mức 700 bài báo/năm thì trong giai đoạn 2016-2020, các bài báo cần hướng tới công bố ở các tạp chí có ảnh hưởng, chất lượng cao, đặc biệt là danh mục Q1 (nhóm nghiên cứu mạnh).

Đó là nội dung được thảo luận chính tại hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật năm 2016 diễn ra ngày 6/8 tại Hà Nội.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ Nafosted, ông Đỗ Tiến Dũng - Giám đốc cơ quản điều hành quỹ Nafosted và hơn 70 các nhà khoa học.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ. Dung
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ. Dung

Theo ông Dũng, giai đoạn 2009-2015, số lượng đề tài được Nafosted tài trợ hằng năm ổn định ở mức 220-240 đề tài (2011-2015), số lượng công bố trên các tạp chí ISI trung bình 3 bài báo/đề tài; số lượng công bố ISI tăng nhanh giai đoạn đầu, tiệm cận ở mức 700 bài báo/năm... Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2020, thay vì chạy theo về số lượng các bài báo trên các tạp chí ISI thì các đề tài cần định hướng công bố trên các tạp chí có ảnh hưởng, chất lượng cao, các tạp chí Q1-Q3, khuyến khích danh mục Q1 (nhóm nghiên cứu mạnh).

"Có như thế mới nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu" - ông Dũng nói.

Ghi nhận những kết quả mà quỹ Nafosted đã đem lại, GS Đào Tiến Khoa - thành viên Hội đồng ngành vật lý cho rằng Quỹ Nafosted thời gian qua đã tạo ra được những thành công. Thành công đó không thể hiện ra cụ thể, cũng không đơn giản là đếm các bài báo mà chính là đã tạo ra được làm sóng tin tưởng trong giới nghiên cứu khoa học.

Cũng đánh giá cao kết quả đã đạt của Quỹ Nafosted thời gian qua, PGS Nguyễn Ngọc Châu - thành viên Hội đồng ngành sinh học nông nghiệp - cho rằng ủng hộ việc nâng cao chất lượng các bài báo công bố quốc tế.

"Chúng ta không nên chạy theo số lượng các bài báo đăng ISI nữa bởi trên thực tế những người làm khoa học không đánh giá có bao nhiêu bài báo được đăng mà họ quan tâm trong tổng số đó có bao nhiêu phần trăm được đăng Q1. Chính vì thế tôi ủng hộ việc đăng ở Q1" -GS Nguyễn Hữu Đức - Phó chủ tịch hội đồng ngành khoa học vật lý, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng quan điểm.

Trước những chia sẻ của các nhà khoa học, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, giai đoạn tới tiếp tục tài trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản; tiến hành xét chọn đề tài 2 lần/năm. Năm 2016 - được coi là lần đầu tiên, vì trước đó hội đồng quỹ Nafosted chỉ tiến hành xét chọn 1 năm/lần...

"Trước nay chúng ta vẫn nghĩ đầu ra của các đề tài là các bài báo công bố quốc tế, được thế giới đánh giá là tốt. Nhưng đó mới chỉ là đánh giá về chất lượng ở mức cao của quốc tế, còn đóng góp của những đề tài đó cho sự phát triển ngành, lĩnh vực nói riêng và đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung chúng ta chưa quan tâm" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Theo đó,Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng kiến nghị hội đồng ngành khi đánh giá nhiệm vụ kết thúc cần chỉ ra đề tài đó đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển của ngành và cho sự phát triển của kinh tế xã hội.

"Theo tôi đó mới là mục đích chính của Quỹ Nafosted và trả lời được câu hỏi của nhân dân là các nhà khoa học đã làm được gì" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.