Ra nước ngoài học không nên quá 1 năm
“Mặc dù so với cách đây 5-7 năm, đội ngũ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong các lĩnh vực của Việt Nam có tăng, song lực lượng trình độ cao thực sự vẫn thiếu hụt. Chủ trương đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực lúc này là cần thiết” - tiến sỹ (TS) Nguyễn Thị Lệ Thu - khoa Công nghệ vật liệu, Đại học (ĐH) Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM, một trong các cán bộ khoa học trẻ tham gia cuộc gặp mặt Thủ tướng năm 2015 -nói.
Trong đề án về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, một trong các nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hành nghiên cứu khoa học. Cụ thể, đề án sẽ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN trình độ cao, chuyên gia cho các lĩnh vực KH&CN ưu tiên, trọng điểm, lĩnh vực công nghệ mới.
Đề án cũng bồi dưỡng sau tiến sỹ cho đội ngũ tiến sỹ làm công tác nghiên cứu và triển khai nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu chuyên nghiệp, hiện đại, tạo ra được những sản phẩm KH&CN có chất lượng cao, qua đó từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong từng lĩnh vực. Đề án cũng hướng tới việc bồi dưỡng theo êkíp để thúc đẩy sự hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu quan trọng trong các tổ chức KH&CN.
Thạc sĩ (ThS) Trương Hải Nhung - nghiên cứu viên Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào - ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM, nhà khoa học trẻ đang ấp ủ hướng nghiên cứu về tái tạo gan, ung thư gan và xơ gan - rất hào hứng với chương trình đào tạo này.Theo ThS Nhung, việc Nhà nước chủ trương hợp tác với các quốc gia phát triển để đội ngũ làm KH&CN được học tập, nâng cao nghiệp vụ là rất cần thiết.
“Chúng tôi rất muốn sang nước ngoài học trong thời gian ngắn để trau dồi, bổ sung những phần kiến thức còn thiếu hụt, sau đó về nước ứng dụng” - ThS Nhung nói. Nhà khoa học trẻ này cho rằng, thời gian du học chỉ nên kéo dài từ 3-6 tháng hoặc 1 năm. Cần chọn các lĩnh vực đào tạo có trọng tâm, trọng điểm để tận dụng tối đa thời gian học tập ở nước ngoài.
“Nếu đi nước ngoài học tập trong 2-3 năm thì rất khó cho công tác nghiên cứu về sau. Nhóm nghiên cứu trong nước sẽ thay đổi rất nhiều và để tiếp tục, đơn vị phải tìm người khác hoặc ngừng chương trình. Muốn phát triển sự nghiệp nghiên cứu ở Việt Nam chỉ nên đi 3 tháng, 6 tháng hoặc nhiều lắm là 1 năm để tránh gián đoạn nghiên cứu trong nước” - ThS Nhung bày tỏ.
Cần đầu tư thêm thiết bị nghiên cứu
Từng được đào tạo ở nước ngoài, TS Nguyễn Thị Lệ Thu cho rằng, được Nhà nước cho đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài là điều nhà khoa học nào cũng muốn. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều nhà khoa học khi sang nước ngoài do điều kiện nghiên cứu thuận lợi đã học được nhiều thứ, nhưng khi về nước lại không thể triển khai tiếp nghiên cứu của mình do thiếu máy móc.
“Thực tế đã có nhiều thầy, cô khi học ở nước ngoài rất thành công, nhưng khi trở về nước lại nản, bỏ phí những kiến thức đã học do thiếu trang thiết bị. Làm nghiên cứu thực nghiệm đòi hỏi thiết bị máy móc rất nhiều. Nhiều khi các kỹ năng và chuyên môn được đào tạo bài bản nhưng nếu trang thiết bị, phòng thí nghiệm hạn chế thì quá trình thực hiện các nghiên cứu sẽ rất khó khăn” - TS Lệ Thu chia sẻ.
Bà cho rằng nếu Nhà nước có thêm chương trình hỗ trợ nhà khoa học nghiên cứu trong nước sẽ rất tốt: “Khi đó các kiến thức chuyên môn được đào tạo ở nước ngoài sẽ có dịp được thực hành để giải quyết chính những bài toán trong nước, như vậy sẽ hiệu quả biết mấy”.
Đáp ứng mong mỏi của các nhà nghiên cứu, Bộ KH&CN đang khẩn trương xây dựng thông tư quản lý đề án đào tạo bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Theo nhìn nhận của giới chuyên môn, đề án được kỳ vọng là một trong những chính sách đột phá về nhân lực KH&CN, góp phần hình thành một đội ngũ nhân lực khoa học trình độ cao của đất nước.