Trong đó, cuộc thi
tranh biện về chủ đề “Sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh
học” được tổ chức vào chiều 22/5 tại Nhà Văn hóa Học sinh Sinh viên, Hà Nội, với mục đích khích lệ sinh viên các
trường đại học có thêm động lực học tập, nghiên cứu, sáng
tạo, phát triển các ý tưởng, mô hình mới về đa dạng sinh học
phục vụ cho phát triển bền vững. Còn chương trình nghệ
thuật Kỷ niệm 25 năm hành động vì đa dạng sinh học diễn ra vào tối cùng ngày và tại cùng địa điểm.
Ngày 22 tháng 5 hằng năm được chọn là Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh
học, để cả thế giới cùng hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học; sử dụng bền vững các thành phần
của đa dạng sinh học; chia sẻ công bằng và hợp lý những lợi ích thu
được từ việc sử dụng tài nguyên sinh học.
Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay có chủ đề “Kỷ niệm 25 hành động vì đa dạng sinh học”, đánh dấu 25 năm Công ước Đa dạng sinh học ra đời và có hiệu lực.
Công ước Đa dạng sinh học được thông qua tại Hội Nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển bền vững năm 1992 tại Rio de Janero (Brazil) và chính thức có hiệu lực từ ngày 29 tháng 12 năm 1993. Đến nay, trên phạm vi toàn cầu có 196 quốc gia là thành viên của Công ước.
Cán bộ Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã của Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) tiến hành thả nhiều cá thể động vật hoang dã về tự nhiên. Ảnh: Xuân Cường
Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước Đa dạng sinh học ngày 17 tháng 10 năm 1994. Kể từ đó, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công cuộc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như: Xây dựng được hệ thống các cơ quan quản lý, khung chính sách và pháp luật về đa dạng sinh học; hệ thống các khu bảo tồn đã được thành lập; các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm được bảo vệ bằng pháp luật và thông qua các chương trình hành động; tiếp thu và đẩy mạnh thực hiện các vấn đề mới của bảo tồn đa dạng sinh học như an toàn sinh học, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích có được từ việc sử dụng nguồn gen…. ; nhận thức về tầm quan trọng và vai trò của đa dạng sinh học đối với cuộc sống và phát triển bền vững đất nước ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học và sự mất cân bằng sinh thái diễn ra mạnh mẽ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học cần một sự hợp tác đa bên, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội mới có thể thực hiện được mục tiêu đề ra của Công ước Đa dạng sinh học cũng như mục tiêu của chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học.