Sáng 19/6, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ VIPRI (Bộ KH&CN) và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam VAAS (Bộ NN&PTNT) đã ký thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ và khai trương Trạm khai thác thông tin sở hữu công nghiệp IPPlatform đặt tại thư viện của VAAS.
Platform là nền tảng công cộng miễn phí, cho phép tất cả người dùng tra cứu thông tin về sở hữu công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ đăng kí sở hữu trí tuệ, cập nhật thông tin về tài sản trí tuệ, và đăng thông báo mua bán các tài sản trí tuệ trên sàn giao dịch. Nó tích hợp toàn bộ cơ sở dữ liệu của
Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN), đồng thời có thêm cơ sở dữ liệu do người dùng tự cung cấp (được kiểm chứng) và liên kết với một số cơ sở dữ liệu từ Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO và các cơ quan sáng chế Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...
Với việc thiết lậpTrạm khai thác thông tin IPPlatform,VAAS sẽ được VIPRI tổ chức các lớp đào tạo riêng về cách khai thác thông tin hữu hiệu trên IPPlatform và xây dựng công cụ (Dashboard) quản trị tài sản trí tuệ liên kết với nền tảng này. Trạm sẽ đóng vai trò 'đầu mối' tiếp nhận và xử lý các yêu cầu tư vấn pháp lý, kỹ thuật về sở hữu trí tuệ của VAAS cũng như của các đối tác nghiên cứu, doanh nghiệp liên quan của VAAS.
Là một đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ công lập lớn nhất trong lĩnh vực trồng trọt, hàng năm, VAAS tạo ra hàng chục loại giống cây trồng và tiến bộ kỹ thuật mới, cũng như chuyển giao một loạt thành quả nghiên cứu khoa học công nghệ cho các bên liên quan. Tuy vậy, lãnh đạo Viện thừa nhận rằng “việc quản trị và phát triển các tài sản trí tuệ vẫn còn ít và chưa xứng với tiềm năng của mình.”
Từ năm 2011 đến nay, VAAS mới chỉ có 250 đơn xin bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó khoảng 139 văn bằng bảo hộ được cấp và 113 đối tượng sở hữu trí tuệ được khai thác thương mại. Con số này rất nhỏ so với quy mô của một tổ hợp Viện nghiên cứu có nhiều tiềm năng và sản phẩm được ứng dụng rộng rãi như VAAS. Phần lớn các tài sản trí tuệ đó vẫn là các giống mới.
Theo TS Đào Thế Anh, phó giám đốc VAAS, bối cảnh nghiên cứu trong ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch. “Trước đây, các sản phẩm khoa học công nghệ như giống, quy trình kỹ thuật chúng tôi nghiên cứu ra chưa có thị trường mà chủ yếu để phục vụ yêu cầu của nhà nước, tức dành cho người nông dân sử dụng, đa phần là miễn phí thông qua hệ thống khuyến nông. Tuy vậy, hiện nay chúng ta đã bước sang giai đoạn thị trường hóa các sản phẩm khoa học công nghệ. Sản xuất nông nghiệp không phải chỉ có nông dân mà đã có sự tham gia của các doanh nghiệp,” ông nói. Như vậy, trong tương lai nhu cầu của doanh nghiệp về các tài sản trí tuệ sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc các viện nghiên cứu phải đẩy mạnh hơn quá trình thiết lập quyền bảo hộ tài sản trí tuệ của mình để trở thành người cung cấp 'vốn chất xám' hiệu quả.
Thêm vào đó, VAAS và các viện thành viên cũng đang dần phải tự chủ về tài chính. Vì thế “bảo hộ sở hữu trí tuệ với các sản phẩm đầu ra của Viện là yếu tố cực kì quan trọng, là một nguồn để chúng tôi có được kinh phí tái đầu tư cho các nghiên cứu”, TS Đào Thế Anh nói.
Hiện nay, VAAS đang tham gia vào các dự án TISC/IP HUB do Cục Sở hữu Trí tuệ thực hiện để đào tạo và xây dựng quy trình quản lý tài sản trí tuệ. Thỏa thuận hợp tác với
VIPRI sẽ giúp VAAS có được nhiều công cụ hỗ trợ hơn trong hoạt động quản trị tài sản trí tuệ của mình.