Ngày 18/6, tại trụ sở Viện Vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, KH&CN, cùng đại diện các bộ, ngành, hội, hiệp hội…

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, ngành vật liệu xây dựng (VLXD) trong những năm qua không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất VLXD đều có sự chuyển biến một cách tích cực. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm VLXD đã tăng gấp 2-3 lần so với 10-15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nhiều loại VLXD của Việt Nam có số lượng, chủng loại hàng đầu thế giới (xi măng, clanhke, gốm-sứ xây dựng…).

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, VLXD có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng lên các công trình xây dựng, tạo cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ đầu tư xây dựng ngày càng tăng.

Trong những năm qua, ngành sản xuất VLXD đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Công tác xây dựng thể chế liên quan đến phát triển VLXD được quan tâm, đã từng bước tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển VLXD đáp ứng yêu cầu của ngành xây dựng.

Công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển VLXD đã được thực hiện ở một số sản phẩm chủ yếu, quan trọng. Công tác quản lý phát triển VLXD được chú trọng nhằm nâng cao chất liệu VLXD, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Nhiều vật liệu mới được nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ưu tiên sản xuất vật liệu mới, thân thiện môi trường

Tuy nhiên, công tác quản lý và phát triển VLXD hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục.

Việc đầu tư phát triển một số chủng loại VLXD còn chưa hợp lý, quy mô nhỏ, phân tán, hiệu quả đầu tư chưa cao. Lĩnh vực xuất khẩu VLXD có hàm lượng nguyên liệu, tài nguyên nhiều, trong khi hàm lượng sáng tạo, giá trị gia tăng còn thấp. VLXD mới chậm phát triển, chưa có nhiều sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu trong nước và có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu, phát triển chưa được DN quan tâm hoặc đầu tư thiếu hiệu quả; nghiên cứu chưa gắn với đầu tư, sản xuất.

Theo TS. Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hội bê tông Việt Nam, Việt Nam đang xếp thứ 5 trên thế giới về năng lực sản xuất xi măng, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hàng chục nghìn tấn xi măng nhưng giá trị xuất khẩu không cao, trong khi đây là ngành sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng. Trên cơ sở đó, ông Trần Bá Việt kiến nghị cần sớm nghiên cứu để có thể xuất khẩu cấu kiện bê tông đúc sẵn với giá trị kinh tế cao hơn nhiều; hạn chế tối đa việc xuất khẩu clanhke, xi măng trong thời gian tới.

Cùng quan điểm này, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội VLXD cho biết, Việt Nam hiện xuất khẩu nhiều loại VLXD với giá rẻ, lại chưa tận dụng được hết các nguồn phụ phẩm, phế thải của các ngành sản xuất khác làm VLXD. Chẳng hạn, nếu các ngành sử dụng than để đốt lò hơi (xi măng, nhiệt điện, sản xuất hoá chất…) có thể cải thiện công nghệ để giảm tỷ lệ than tồn dư trong tro xỉ thì việc sử dụng xỉ than để sản xuất VLXD sẽ còn hiệu quả hơn nữa.

Ông Thái Duy Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, chiến lược nêu định hướng ưu tiên đầu tư dự án vật liệu xây dựng mới. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn những loại vật liệu mà Việt Nam phải có lợi thế cạnh tranh, chứ không phải vật liệu mới nào cũng nghiên cứu, sản xuất. Đồng thời, việc xuất khẩu vật liệu xây dựng thì cũng cần đánh giá xuất khẩu gì có lợi, tránh làm thất thoát, cạn kiệt nguồn tài nguyên của quốc gia. Do đó, việc quản lý nhà nước đối với phát triển vật liệu xây dựng phải căn cứ vào chỉ tiêu về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường.

PGS. TS Lương Đức Long, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, bối cảnh hiện nay đòi hỏi cách thức quản lý ở ngành VLXD rất khác trước. Do đó, 4 vấn đề phải lưu ý trong chiến lược nhằm quản lý phát triển VLXD là: Môi trường, chi phí tiêu hao nguyên liệu tự nhiên và năng lượng; mức độ tiên tiến về công nghệ và tái sử dụng các chất thải.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe giới thiệu về một số VLXD tiêu biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phối hợp chặt chẽ để xử lý dứt điểm vấn đề tro xỉ

Về vấn đề quản lý tro xỉ, PGS. TS Lương Đức Long cho rằng, thời gian qua, các bộ, ngành làm việc chưa “ăn khớp” với nhau. Theo ông Long, tro bay, xỉ than của nhà máy nhiệt điện than là nguyên liệu đầu vào rất tốt cho sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ, làm tấm trần, tường thạch cao, gốm sứ rất hiệu quả, đặc biệt là phụ gia cho sản xuất xi măng.

Thời gian qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo, giải pháp trong việc xử lý tro bay, xỉ than từ các nhà máy xi măng, nhiệt điện, hóa chất, tuy nhiên thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc. Ví dụ như, các đơn vị tái sử dụng tro xỉ nhưng lại không được vận chuyển, chỉ doanh nghiệp đăng ký là nhà máy xử lý chất thải thì mới được phép.

Về nội dung này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thời gian qua, tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc xử lý tro xỉ của các nhà máy điện, xi măng, thạch cao còn nhiều lúng túng, chưa hiệu quả. “Mặc dù có tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhưng các bộ, ngành chưa phối hợp hành động cụ thể, chặt chẽ", Phó Thủ tướng nói.

Trên cơ sởđó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, TN&MT, KH&CN và các bộ, ngành phối hợp chặt chẽđể xử lý dứt điểm vấn đề sử dụng tro xỉ làm VLXD, đảm bảo môi trường.

Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu VLXD Việt Nam

Theo Phó Thủ tướng, việc xây dựng chiến lược phát triển VLXD tuy được quan tâm, song còn thiếu nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm trong chiến lược.Công tác dự báo còn nhiều bất cập. Công tác điều chỉnh chiến lược còn chậm. Từ đó ảnh hưởng đến quá trình quản lý, điều hành phát triển ngành VLXD.

Trong giai đoạn tới, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá sẽ tiếp tục diễn ra rất mạnh mẽ ở nước ta. Do đó, phát triển VLXD để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước là nhiệm vụ rất quan trọng.

Đồng thời, nhu cầu VLXD trên thế giới cũng sẽ ngày càng tăng cao, vì vậy, ngành VLXD cũng cần hướng tới mục tiêu nâng cao kim ngạch, giá trị xuất khẩu.

“Chúng ta phải phát triển đa dạng hóa các sản phẩm VLXD, trong đó phát triển mạnh các VLXD mới, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao để dần thay thế cho các VLXD truyền thống. Đồng thời, có các giải pháp tổng thể, đồng bộ để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho các sản phẩm VLXD của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, trước hết phải xây dựng một chiến lược VLXD trong thời kỳ mới (đến 2030 tầm nhìn 2050). Phó Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu trong chiến lược phát triển ngành VLXD phải gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại; tiết kiệm tài nguyên, tận thu phế thải tái chế thành VLXD; giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Theo đó, phải gắn phát triển VLXD với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp và xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm VLXD mới có giá trị kinh tế cao, ít tiêu thụ năng lượng; nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của VLXD Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đánh giá cao việc Bộ Xây dựng đã tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển VLXD đến 2030, tầm nhìn 2050, các đóng góp ý kiến của các vị đại biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến Thủ tướng Chính phủ sớm ký ban hành Chiến lược, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện trong thời gian tới.