Hiện tại với mức độ vi phạm bản quyền của Việt Nam rất khó kiểm soát, do vậy khi Việt Nam vào TPP các sản phẩm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều và đòi hỏi sự quản lý gắt gao hơn.
TS Nguyễn Trí Hiếu đã phân tích thuận lợi cũng như thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo ông Hiếu, việc đàm phán thành công Hiệp định này đã mở ra một sân chơi mới với nhiều thuận lợi nhưng thách thức cũng không kém.
Cơ hội cho việc mở rộng thị trường
PV: - Thưa ông, việc TPP đạt được thỏa thuận, đánh dấu một mốc Việt Nam tiến sâu hơn vào nền kinh tế thị trường thế giới. Là một chuyên gia tài chính ngân hàng, ông nhìn nhận như thế nào về lợi ích Việt Nam có thể có từ TPP cũng như những thách thức chúng ta sẽ phải đối mặt?
TS Nguyễn Trí Hiếu: - Rõ ràng khi Việt Nam tham gia một sân chơi lớn của quốc tế sẽ có rất nhiều điều thuận lợi.
Trước mắt chúng ta được mở thêm các thị trường mới là các thành viên của TPP, từ đó có thể tiếp cận được các thị trường khác thông qua các thành viên này giúp tăng cường quan hệ mậu dịch. Về lâu dài chắc chắn TPP có thể sẽ tác động tới thể chế của Việt Nam.
Sự tác động này có thể hiểu theo hướng, về mặt kinh tế trong 12 thành viên thì 11 nước đã có thị trường tự do tương đối hoàn hảo. Còn Việt Nam có thể nói là một thành viên yếu nhất về TPP và có nền kinh tế mà nhiều thành viên của TPP chưa công nhận là nền kinh tế thị trường. Thành ra việc này sẽ thúc đẩy khi Việt Nam gia nhập với các thành viên sẽ buộc phải thay đổi nền kinh tế để tiến tới kinh tế thị trường hoàn hảo hơn.
Về mặt chính trị, từ việc thay đổi thể chế kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với thách thức về thể chế chính trị. Hiện 11 thành viên là 11 quốc gia ở trong hệ thống tư bản, còn mình là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa duy nhất. Như vậy vị thế của chúng ta sẽ khác so với 11 thành viên kia. Điều này khiến Việt Nam đứng trước một thách thức rất lớn.
Cho đến thời điểm này chúng ta chưa thể dự báo được bất cứ điều gì bởi TPP vẫn đang được cấu thành nên chưa thể nhìn nhận hết được sự tác động tới thể chế kinh tế, song có thể hiểu mọi việc sẽ khiến chúng ta phải thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Tất nhiên bên cạnh những thuận lợi khi tham gia một Hiệp định thương mại lớn như thế này chắc chắn sẽ có những bất lợi mà Việt Nam phải đổi mặt.
Bất lợi đầu tiên là thị trường sẽ bị tấn công bởi các nền kinh tế khác. Đương nhiên khi chúng ta có thể xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác thì họ cũng có thể xuất khẩu sang mình. Khi đó các doanh nghiệp Việt sẽ phải đối đầu với những cạnh tranh rất khốc liệt. Đó là việc hàng hóa của các nước khác chất lượng tương đối tốt, trong đó có những thành viên là nền kinh tế hàng đầu của thế giới, có những sản phẩm chất lượng cao như Mỹ, Nhật, Canada… vì vậy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối diện với sự xâm nhập của các sản phẩm chất lượng và có thể giá cũng rẻ từ các quốc gia này. Nhất là khi đó Việt Nam phải bỏ đi rất nhiều rào cản thuế quan, kỹ thuật mà trước đây đã dựng lên để phòng vệ cho nền kinh tế của mình. Khi hàng rào này gỡ bỏ đi thì đương nhiên sự tấn công của các nền kinh tế khác vào Việt Nam là rất mạnh mẽ.
Dĩ nhiên tất cả mọi chuyện sẽ phải có lộ trình nhưng đến cuối cùng thì chúng ta cũng phải đối mặt với sự tấn công ào ạt từ các quốc gia khác. Trong thị trường hàng hóa tiêu dùng, xe ô tô, các mặt hàng khác sẽ tràn ngập vào Việt Nam. Chính vì vậy có thể nói chúng ta có nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng vô cùng lớn.
>> Làm gì để nâng cao nhận thức và bảo về quyền sở hữu trí tuệ?
Tăng rủi ro về bảo mật và sở hữu trí tuệ
PV: - Có ý kiến cho rằng tham gia TPP yếu tố sở hữu trí tuệ hiện được cho là thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đương đầu trong giai đoạn hiện nay. Theo ông trước những khó khăn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam chúng ta cần phải làm gì?
TS Nguyễn Trí Hiếu: - Đúng là khi tất cả những hàng rào thuế quan, kỹ thuật được tháo bỏ thì sẽ có sự chuyển dịch các sản phẩm trí tuệ rất lớn trong khu vực kinh tế của 12 nước thành viên TPP. Khi đó các sản phẩm có thể chỉ cần một cái click chuột là có thể chạy sang các nước khác. Thành ra sẽ có một sự bùng nổ về công nghệ thông tin trong khối TPP.
Có thể thấy rằng, trong sự bùng nổ về công nghệ thông tin sẽ có cả mặt lợi và mặt hại. Về mặt lợi thì đương nhiên các sản phẩm này sẽ rẻ và phổ biến nhanh chóng ở Việt Nam. Các sản phẩm về phần mềm có khả năng vào Việt Nam sẽ vào Việt Nam ồ ạt – có lợi cho doanh nghiệp và người dùng. Tuy nhiên cái bất lợi sẽ là các rủi ro về bảo mật bởi đây là câu chuyện khá phức tạp. Trên thực tế chúng ta cũng đã đối diện với các hacker, tin tặc nhưng khi TPP được mở rộng thì sự dịch chuyển mạnh mẽ hơn và sẽ làm tăng rủi ro trong hệ thống thông tin và mạng lưới điện toán toàn cầu.
Một trong những điểm rất quan trọng nữa đó là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Một thị trường mở rộng và dễ dàng xâm nhập khi tháo bỏ các rào cản thì vấn đề sở hữu trí tuệ rất khó. Tuy nhiên trong số 12 thành viên TPP, Việt Nam là quốc gia nhận các sản phẩm đó nhiều hơn là sản xuất nên cái lợi sẽ được nhiều hơn. Đây cũng chính là điều mà các nước rất quan tâm tới Việt Nam và e ngại các sản phẩm trí tuệ của họ sẽ bị vi phạm bản quyền.
Chính vì vậy trong quá trình đàm phán các bên đã dành riêng một khoảng thời gian để đàm phán về quyền sở hữu trí tuệ. Tại Hiệp định TPP có những quy định rất chặt chẽ buộc các Chính phủ phải có những biện pháp ngăn chặn các vấn đề ngăn chặn vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ. Về mặt này Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều.
Hiện tại với mức độ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bản quyền của Việt Nam cũng khó kiểm soát, do vậy trong tương lai công nghệ thông tin ngày càng phát triển, các sản phẩm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều và đòi hỏi sự quản lý gắt gao hơn.
PV: - Đúng như đánh giá của ông hiện mức độ tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong nước hiện nay chỉ ở mức trung bình, có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần tránh tự do hóa nhanh hơn so với cam kết. Ông có đồng tình với ý kiến này không?Theo ông Việt Nam cần có lộ trình như thế nào để đối mặt với những thách thức hiện tại?
TS Nguyễn Trí Hiếu: - Trước hết TPP cũng đã có thông tin nhưng cho đến giờ này cũng rất hạn chế dù chúng ta hiểu rằng các thương lượng trong các vòng đàm phán phải giữ bí mật để tránh trở ngại. Dù sao đi nữa chúng ta cũng đang đi đến cùng của câu chuyện này nên tất cả các vấn đề sở hữu trí tuệ, bản quyền, chất lượng sản phẩm, hàng rào kỹ thuật… đều phải được tuân thủ theo các quy định. Thế nhưng đến giờ này tất cả những việc phổ biến thông tin tới các ngành nghề có liên quan sẽ bị tác động bởi TPP vẫn còn hạn chế.
Do đó các doanh nghiệp liên quan đến dược phẩm, nông phẩm… đang phải tự tìm thông tin nhưng chưa đủ và việc tuyên truyền chưa đến tầm để họ có đủ phương án đối phó với những thách thức sắp tới cũng như làm sao để tận dụng tối đa cơ hội có được.
Tôi cho rằng các cơ quan chức năng, hiệp hội cần nắm bắt các thông tin cụ thể để từ đó có các kế hoạch truyền thông cụ thể, cơ hội, thách thức cho từng ngành nghề, sản phẩm để có được sự chủ động. Dù rằng chúng ta đang thay đổi thể chế rất mạnh mẽ từ các thủ tục hành chính, thuế… tuy việc cải tiến dù nhanh nhưng chưa đáp ứng với yêu cầu của thông lệ quốc tế.
Để đối mặt với cả thách thức và cơ hội, tôi nghĩ rằng tất cả các tổ chức cá nhân cần chủ động tìm hiểu các đòi hỏi của TPP thay vì ngồi chờ.
Tất nhiên chúng ta cũng cần một lộ trình nhất định để tự do hóa theo cam kết bởi chúng ta vẫn trong một nền kinh tế mang nặng tính hành chính. Do vậy để bước sang một yêu cầu mới chắc chắn chúng ta cần một lộ trình cụ thể để thực hiện từng bước chứ không thể tự do hóa một cách quá nhanh chóng ngay một sớm một chiều được.
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi!