Theo các chuyên gia, thông tin về gạo giả làm từ nhựa, khi rang lên bị chảy ra, quyện dính vào nhau cần phải được các cơ quan chức năng xác minh. Thông tin đồn thổi về gạo giả ở Việt Nam đã có từ lâu, nhưng chưa thể khẳng định được đó là gạo giả.
Gạo từ nhựa cực đắt
Nhiều ngày theo dõi thông tin, xem các đoạn clip về gạo giả, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội - khẳng định: Chắc chắn không có gạo giả làm từ nhựa. PGS-TS Thịnh chứng minh luận điểm của mình:
“Hàng giả thường được làm vì mục đích lợi nhuận, nhưng để làm ra gạo giả từ nhựa không hề rẻ chút nào, thậm chí lên đến cả triệu đồng/kg. Giá nhựa nguyên khai có màu trắng trong để có thể làm gạo trên thị trường hiện nay là 80.000 đồng/kg, nhựa tái sinh là 50.000 đồng/kg. Để sản xuất được 1kg nhựa này thành gạo, sẽ phải cần đến hàng nghìn chiếc khuôn. 1kg nhựa đổ vào 1.000 chiếc khuôn có giá thành khoảng 1 triệu đồng. Kết quả cuối cùng, 1kg hạt nhựa “gạo” có giá 1.080.000 đồng. Trong khi đó, 1kg gạo có giá trung bình 20.000 đồng. Thử hỏi ai sẽ kinh doanh kiểu đó?”.
Trường hợp có kẻ xấu đưa gạo nhựa vào nhằm gây hại sức khỏe người tiêu dùng, PGS-TS Thịnh đặt câu hỏi: Nếu muốn hại, hoàn toàn có thể tẩm hàng nghìn loại chất độc hại khó nhận biết để người dùng có thể bị hại từ từ, chứ cần gì lại phải mất công làm thế?
PGS-TS Nguyễn Văn Hoan - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa - cũng chung quan điểm khi cho rằng, gạo là loại mặt hàng giá rẻ, phổ biến, không ai đi làm giả làm gì. Ở góc độ người nội trợ, việc mua gạo ở đâu, nhận biết gạo ngon như thế nào chắc không phải là việc quá khó. “Cứ mua gạo của những địa chỉ uy tín thì không cần phải quan tâm đến thông tin có gạo giả hay không. Đầu ra quyết định đầu vào, khi đó, ví như có gạo giả thì họ cũng chẳng biết bán cho ai” - ông Hoan nhận định.
Nấu cháo là biết ngay “giả - thật”
Với đoạn clip quay cảnh gạo cho vào rang lên, sau một thời gian thì hạt gạo chảy ra, dính bết vào nhau khiến người ta đặt câu hỏi liệu đó có phải là gạo được làm từ nhựa, PGS-TS Thịnh cho biết, rất có thể loại gạo đó được đánh bóng, được phủ những hóa chất làm đẹp hạt gạo nên khi rang lên, hóa chất này nóng chảy ra, khiến hạt gạo dính vào nhau. Cảnh quay và kết quả đó chưa thể khẳng định đó là gạo nhựa. Để làm rõ, hãy cho gạo vào nấu cháo. Hạt gạo có cấu tạo từ tinh bột sẽ nở ra, còn gạo nhựa thì chắc chắn là không. Khi đó, nhận biết gạo nhựa sẽ cực kỳ dễ dàng.
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nghiên cứu thực phẩm, PGS-TS Thịnh cho rằng bản thân gạo là mặt hàng có giá thành thấp, việc làm ra gạo giả từ nhựa để bán nhằm trục lợi là khả năng ít có thể xảy ra.
“Đặt trường hợp là người ta có thể mua được nhựa với giá 100 đồng/kg thì khi sản xuất ở quy mô cực lớn có thể sẽ có lãi. Nhưng để có lãi thì họ sẽ phải sản xuất cả chục nghìn tấn. Chiếc máy gia công hạt gạo cũng phải hàng tỷ đồng. Đồng nghĩa, sẽ có hàng triệu người dùng ăn phải loại gạo này, nhưng hiện nay thi thoảng mới có một trường hợp nói rằng mình mua phải gạo giả. Để làm rõ điều này, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh nguồn gốc, xuất xứ của thông tin “gạo giả” như thế nào để người dân yên tâm” - PGS-TS Thịnh phân tích.
Thủy Anh