Sáng kiến này sẽ kéo dài 4 năm với sự tham gia của Chính phủ Úc, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan của Liên Hợp Quốc.
Đó là thông tin được bà H.E Robyn Mudie, Đại sứ Austrailia tại Việt Nam, chia sẻ tại Lễ ký kết dự án “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025” vào ngày hôm qua, 24/5.
Bà H.E Robyn Mudie, Đại sứ Austrailia tại Việt Nam, phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Đinh Phương Anh / UN Women
Theo bà, trong 12 tháng qua, tất cả các quốc gia đã nhận ra rằng ứng phó toàn diện với đại dịch phải bao gồm cả việc ứng phó với những thách thức mà phụ nữ và trẻ em đang đối mặt, cũng như đảm bảo an toàn cho họ. Vì vậy, Chính phủ Australia quyết định tài trợ 9,5 triệu AUD cho một sáng kiến mới kéo dài 4 năm, từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2025, với sự tham gia của Chính phủ Australia, Chính phủ Việt Nam và ba cơ quan của Liên Hợp Quốc - UNFPA, UN Women, UNICEF - nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực.
“Trong vòng 4 năm tới, chương trình sẽ tăng cường các chiến lược phòng ngừa và các nỗ lực ứng phó đa ngành nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực đối với trẻ em. Chương trình sẽ tăng cường hệ thống ứng phó với bạo lực và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Chúng tôi hy vọng rằng cách tiếp cận thực tế và dài hạn này sẽ tạo ra sự khác biệt, và phụ nữ và trẻ em có thể tìm kiếm sự giúp đỡ và họ sẽ được sự giúp đỡ khi họ cần”, bà cho biết.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên thế giới hiện nay và tác động tiêu cực của nó đối với những người sống sót, gia đình họ và cộng đồng là vô cùng lớn.
Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 ở Việt Nam do Chính phủ Australia và UNFPA hỗ trợ cho thấy cứ ba phụ nữ đã kết hôn thì có 2 phụ nữ (gần 63%) đã từng trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tình cảm, kinh tế và hành vi kiểm soát của chồng trong đời; 4,4% trẻ em bị xâm hại tình dục. Tổng thiệt hại về năng suất do bạo lực đối với phụ nữ ước tính là 1,81% GDP của Việt Nam năm 2018.
Cũng trong sự kiện, các cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong đại dịch Covid-19. Trong đó, số lượng cuộc gọi yêu cầu trợ giúp đến đường dây nóng của Ngôi nhà Ánh Dương, Ngôi nhà Bình Yên (nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới) đã tăng gấp đôi. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, sự lo lắng gia tăng và căng thẳng tài chính, và sự khan hiếm nguồn lực cộng đồng đã tạo tiền đề cho cuộc khủng hoảng bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em ngày càng trầm trọng.
Nghiên cứu của UNICEF cho thấy, đến tháng 6/2020, ước tính có khoảng 30,8 triệu người ở Việt Nam đã bị tác động tiêu cực bởi Covid-19 và 53,7% người lao động bị giảm thu nhập.