Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 do Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhằm kết nối cung cầu, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các viện, trường và doanh nghiệp.
Diễn ra từ ngày 30/10 đến 2/11, sự kiện gồm 10 hoạt động chính tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm chuỗi hội thảo kết nối và xúc tiến đầu tư cho các ngành nông nghiệp; trình diễn kết nối cung cầu công nghệ Techdemo; triển lãm chuyên ngành thiết bị và công nghệ nông lâm ngư nghiệp Growtech; chợ công nghệ Techmart với gần 200 gian hàng của các doanh nghiệp, viện trường, cơ sở sản xuất trên cả nước; khu tư vấn công nghệ và sở hữu trí tuệ; ngày hội việc làm; cuộc thi khởi nghiệp,...
Thay vì tổ chức riêng như mọi năm, "năm 2020 là lần đầu tiên Tuần lễ được tổ chức kết hợp nhiều hoạt động kết nối cung cầu công nghệ Techdemo, chợ công nghệ Techmart,...”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu trong lễ khai mạc ngày 31/10.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng (bìa trái) theo dõi video trình diễn đường cáp vận chuyển trái thanh long, giúp người trồng dễ dàng thu hoạch hơn. Đây là kết quả đề tài nghiên cứu thuộc chương trình Tây Nam Bộ do công ty CP thiết bị chuyên dùng Việt Nam chủ trì.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, những năm gần đây, nền nông nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng khá nhanh và đạt được nhiều kết quả ấn tượng song Việt Nam vẫn còn mắc kẹt trong các hoạt động tạo ít giá trị gia tăng, hạn chế khả năng học hỏi công nghệ và nâng cao năng lực sáng tạo. "Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào việc tăng năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo. Tuần lễ là cơ hội tốt để các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, kết nối, hình thành mạng lưới KH&CN và hệ sinh thái KH&CN Việt Nam,” ông nói.
Một trong những điểm thu hút nhất của Tuần lễ là chợ công nghệ Techmart. Các đơn vị tham gia trưng bày những sản phẩm hết sức đa dạng: từ những sản phẩm là kết quả nghiên cứu trong viện trường như đông trùng hạ thảo dùng công nghệ sấy lạnh của nhóm nghiên cứu ở khoa Công nghệ sinh học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho tới sản phẩm “dân gian” như bài thuốc tắm của người Dao của hợp tác xã Thiên An (Bắc Kạn),... “Con tôi làm trong lĩnh vực KH&CN kể về sự kiện này, tôi thấy rất thích nên đi xem. Ở đây có rất nhiều sản phẩm phong phú, bắt mắt, từ một nguyên liệu thành rất nhiều thứ hữu dụng khác nhau”, bà Đào Kim Nhung (Hà Nội), một khách tham quan triển lãm, nhận xét.
Phần lớn các đơn vị tham gia có phản hồi tích cực về hoạt động hỗ trợ
kết nối tại Tuần lễ. “Trước đây, chúng tôi chưa từng tham gia Techmart
hay Techdemo, nếu như có những sự kiện như thế này thì tốt quá vì ở đây
toàn là những sản phẩm ứng dụng từ những đề tài KH&CN, chúng tôi rất
mong có thể tham gia để sản phẩm được quảng bá nhiều hơn”, bà Nguyễn
Thị Ngân, Công ty dược mỹ phẩm AnphaMec, một đơn vị đã hợp tác và phát
triển nhiều sản phẩm hóa dược từ các nghiên cứu của Viện Hàn lâm
KH&CN Việt Nam, nhận xét.
Tuy nhiên, một số đơn vị khác nhận xét rằng nếu hoạt động truyền thông, bao
gồm cả nội bộ lẫn bên ngoài, được đẩy mạnh hơn thì hiệu quả kết nối sẽ
cao hơn. “Cũng nhiều khách đến tham quan nhưng chủ yếu là bên trong Học
viện, bên ngoài như người dân ở phố Ngô Xuân Quảng dẫn vào Học
viện, họ cũng không biết gì," bà Nguyễn
Thị Thu Liên ở Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, một tổ chức phi lợi nhuận
gồm nhiều trang trại, hợp tác xã, startup nông nghiệp,... tham gia Tuần
lễ, nhận xét. "Những sản phẩm ở đây có giá trị khoa học
rất cao, nếu không được lan tỏa thì rất lãng phí. Ngoài ra, ban tổ chức
cũng cho biết có một gian hàng kết nối, tư vấn công nghệ, nhưng việc này
không được thông tin rộng rãi cho các chủ gian hàng nên không phải ai
cũng biết. Nếu ban tổ chức truyền thông rõ ràng hơn thì người ta có thể
bỏ cả bán hàng để ra đấy, bởi nếu kết nối thành công thì còn được hơn
bán hàng rất nhiều”, bà Liên nhận xét và cho rằng "hoạt động kết nối hay nhưng làm chưa tới".
Dưới đây là hình ảnh một số gian hàng tại sự kiện:
PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) giới thiệu các sản phẩm mật ong của Trung tâm. Hiện nay, Trung tâm đang hợp tác với công ty ong mật Đắk Lắk và Trung tâm Nghiên cứu dữ liệu lớn nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) ứng dụng công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo trong quá trình sản xuất mật ong để nâng cao chất lượng các sản phẩm mật ong.
Khách tham quan gian hàng của HTX Thiên An (Bắc Kạn). Với sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam thông qua một số đề tài nghiên cứu chuyển giao công nghệ, HTX Thiên An đã phát triển các loại nông sản sấy chất lượng cao, ví dụ như sản phẩm chuối sấy đã được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Đại diện công ty CP&PT Nhựa gỗ châu Âu giới thiệu các sản phẩm sàn gỗ nhựa, cột gỗ nhựa,... Đây là một trong 16 doanh nghiệp được khen thưởng trong Tuần lễ vì có nhiều thành tích trong hoạt động đổi mới công nghệ.
Sản phẩm nano curcumin do AnphaMec phát triển từ các đề tài nghiên cứu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thu hút nhiều khách tham quan.
Công ty Minh Hưng Tiền Giang chuyên cung cấp các sản phẩm lưới nông nghiệp, xây dựng,... là một trong những đơn vị thường xuyên tham gia các sự kiện kết nối công nghệ như Techmart, Techdemo do Bộ KH&CN tổ chức. Dù "bám sát" chương trình nhưng anh Bùi Thanh Liêm, đại diện gian hàng, cho biết anh cũng không nắm được thông tin về gian hàng kết nối.