Mục đích của nghiên cứu này là nhằm bảo vệ các loài động-thực vật tránh khỏi các mối đe dọa đến từ tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Dự án nghiên cứu có sự chung tay của 124 quốc gia dự kiến được hoàn tất vào năm 2019 và là một phần trong giải pháp tìm hiểu cách thức mà các hoạt động của con người đang tác động lên hành tinh.
Nghiên cứu sẽ tập trung khảo sát tính đa dạng hệ sinh thái từ các loài vi khuẩn cho tới loài cá voi xanh, cũng như “các dịch vụ hệ sinh thái” từ giá trị của các rạn san hô được xem như nơi nuôi dưỡng các loài cá cho tới vai trò của những cánh rừng trong việc hấp thụ khí nóng gây hiệu ứng nhà kính.
IPBES cho biết nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách và toàn xã hội có cái nhìn toàn diện hơn về tác động qua lại giữa con người và thiên nhiên để từ đó đưa ra những quyết sách phù hợp trong tương lai.
Trước đó, tại hội nghị ở Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 26/2 vừa qua, IPBES cũng đã nhất trí với cách tiếp cận mới nhằm đánh giá việc lựa chọn chính sách phù hợp.
Rất nhiều loài thực vật và động vật đang phải đối diện với các mối đe dọa, chẳng hạn như việc mất đi môi trường sống tại các khu rừng nhiệt đới do các diện tích này bị biến thành đất nông nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu thực phẩm của nhân loại đang không ngừng tăng lên, hay việc đường sá và các thành phố mọc lên như nấm, tình trạng ô nhiễm môi trường và các tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu.
Cũng tại hội nghị trên, IPBES còn công bố nghiên cứu đầu tiên về hiện tượng thụ phấn và kết luận rằng số lượng loài ong, dơi, bướm và các loài côn trùng khác đang suy giảm đáng kể.
Hồi năm 2010, các chính phủ của 124 quốc gia nói trên cũng đã nhất trí nỗ lực thực hiện hàng loạt mục tiêu nhằm bảo vệ môi trường, trong đó có việc ngăn chặn tình trạng động thực vật đứng bên bờ vực tuyệt chủng vào năm 2020.