Theo PGS Jung Kiwon – ĐH Cha, Hàn Quốc, Việt Nam nên tận dụng những bài thuốc dân gian bí truyền sử dụng thảo dược để tiếp tục nghiên cứu và phát triển thành những loại thuốc mới cho ngành y dược hiện đại. Đây sẽ là con đường ngắn và hiệu quả nhất để phát triển ngành thuốc từ thế mạnh thảo dược bản địa của Việt Nam.
Đây là nội dung được quan tâm thảo luận nổi bật trong Diễn đàn công nghiệp lần thứ 4 với chủ đề "Phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nguồn dược liệu Việt Nam: Từ nghiên cứu đến ứng dụng", do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) tổ chức chiều 18/12.
Chia sẻ câu chuyện thành công trong nghiên cứu thuốc chữa viêm khớp của Hàn Quốc, PGS Jung Kiwon cho biết, để điều chế sản phẩm, các nhà khoa học Hàn Quốc lựa chọn 3 thảo dược chính từ 600 loại với các tiêu chí như có dược tính chống viêm, điều hoà hệ miễn dịch, bảo vệ phần sụn… “Chúng tôi phải tiến hành kiểm định hiệu quả, tác dụng cụ thể của từng hoạt chất cũng như phân tích cấu trúc để lựa chọn được thành phần chủ đạo tốt nhất cho viên thuốc” – PGS Jung Kiwon kể.
Bên cạnh đó, ông Jung Kiwon lưu ý, quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch thảo dược có vai trò quan trọng không kém quá trình tách chiết và cần được giám sát theo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi vì, bảo đảm được nguyên liệu đầu vào sẽ rút ngắn được nhiều khâu trong giai đoạn tinh chế, tách lọc độc tính khi tách chiết.
Ông nêu ra 4 bước để phát triển một sản phẩm thuốc mới từ dược liệu: tìm kiếm ý tưởng; đảm bảo chất lượng; cân đối giá cả; và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Và nhìn vào con đường mà lĩnh vực nghiên cứu thảo dược của Hàn Quốc đã đi qua, ông Jung Kiwon tin rằng Việt Nam có thể học tập được nhiều kinh nghiệm. Với nguồn tài nguyên lớn về các bài thuốc chữa bệnh mà trướcmới chỉ được dùng theo các phương pháp dân gian, Việt Nam nên đưa vào nghiên cứu về tác dụng của từng thành phần, áp dụng công nghệ để tinh chế thành thuốc viên, thuốc tân dược. “Đây là con đường ngắn và hiệu quả nhất” – ông Jung Kiwon nhấn mạnh.
Cũng theo ông Jung, thế giới đang có 2 hướng tiếp cận trong sản xuất thuốc mới. Nếu như Hàn Quốc chọn hướng "dược học ngược" tức là xác định căn bệnh muốn điều trị, dựa trên các bài thuốc dân gian trị bênh có sẵn rồi sử dụng công nghệ tách chiết, xác định hoạt tính rồi bào chế thành thuốc thì các quốc gia như Mỹ lại đi ngược lại, từ dược liệu có sẵn, tinh chế hoạt chất rồi mới điều chế thuốc. Với các bài thuốc dân gian cổ truyền, ông Jung Kiwon khuyên Việt Nam nên đi theo cách làm của Hàn Quốc.
Những kinh nghiệm thực tế của các khoa học Hàn Quốc chia sẻ chính là lý do để Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy tin rằng VKIST sẽ là cầu nối để Việt Nam học hỏi được kinh nghiệm cũng như công nghệ của Hàn Quốc để phát triển thế mạnh của mình.
Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh “Việt Nam có nhiều doanh nghiệp chế biến dược liệu nhưng hàm lượng công nghệ chưa cao nên sản phẩm mới ở mức thô, chưa đạt được giá trị cao, chưa xâm nhập được vào những lĩnh vực cao cấp như mỹ phẩm hay thuốc có thể tiêm trực tiếp” – Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói. Ông hi vọng VKIST và các nhóm nghiên cứu có thể liên kết với các doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao ở Việt Nam.
TS Kum Dongwha - Viện trưởng Viện VKIST khẳng định, một trong những hướng phát triển quan trọng của Viện là hợp tác doanh nghiệp với nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế để học hỏi công nghệ cũng như kinh nghiệm của Hàn Quốc để tận dụng thế mạnh về nguồn dược liệu phong phú của Việt Nam. "VKIST sẽ có vai trò như cầu nối, vừa nghiên cứu công nghệ lõi, vừa kết nối doanh nghiệp với nhà khoa học trong nước và quốc tế để tạo ra sản phẩm tốt Việt Nam chất lượng cao có thể chiếm lĩnh thị trường" - TS Kum Dongwha nói.