Bộ Khoa học và Công nghệ vừa thông báo tổ chức giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017; 2 nhà khoa học người Áo và Hà Lan vừa nghiên cứu ra chủng nấm chuyên ăn nhựa... là những tin khoa học nổi bật trong sáng 24/11.
Tổ chức giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa thông báo tổ chức giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017. Giải thưởng Tạ Quang Bửu được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển. Điểm đặc biệt là giải thưởng đều được trao cho các nhà khoa học có tuổi đời còn trẻ với những công trình khoa học mang tầm quốc tế.
Theo đó năm nay, các tổ chức, các nhân đề cử hoặc tự ứng cử gửi hồ sơ đăng ký xét tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu tới Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia từ ngày 22/11/2016 đến hết ngày 21/01/2017. Công tác xét chọn giải thưởng sẽ diễn ra từ tháng 2/2017 đến tháng 4/2017. Trao giải thưởng vào tháng 5/2017. (
XEM THÊM)
Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016.
Mỹ hợp tác phát triển hạ tầng đô thị thông minh ở Việt Nam
Sáng 23/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ tổ chức tọa đàm Hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng đô thị thông minh tại Việt Nam.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và phát triển đô thị thông minh, không chỉ các thông tin kỹ thuật, giải pháp công nghệ mà cả các vấn đề về chiến lược quy hoạch, quản trị nền tảng pháp lý và kinh nghiệm thực tiễn triển khai các đô thị thông minh.
Đại sứ Mỹ Ted Osius cho biết với những kinh nghiệm thực tế, các doanh nghiệp của Mỹ mong muốn tìm ra những giải pháp phù hợp để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị thông minh. (
XEM THÊM)
Kẹt xe trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN
Thuật toán có thể phân biệt được "tướng lành, tướng dữ"
Hai nhà khoa học tới từ trường Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc vừa phát triển thuật toán máy tính mới được cho là có thể nhận biết tội phạm bằng cách phân tích khuôn mặt.
Dựa vào các yếu tố như độ cong của môi, khoảng cách góc bên trong mắt và góc giữa mũi với miệng, thuật toán có thể tìm ra khuôn mặt của tội phạm trong số hàng nghìn bức ảnh với tỷ lệ chính xác gần 90%. Nghiên cứu này đã gây ra nhiều tranh cãi. Các chuyên gia cho rằng kiểu phân loại này hoàn toàn phi đạo đức. Nó cũng không có cơ sở chắc chắn về khoa học bởi tất cả các mối liên hệ giữa đặc điểm cơ thể với tính cách đã bị phủ nhận. (
XEM THÊM)
Theo các nhà khoa học Trung Quốc, hàng trên là 4 kiểu khuôn mặt thường gặp ở tội phạm, hàng dưới là ba kiểu khuôn mặt của người tuân thủ pháp luật. Ảnh: Xiaolin Wu, Xi Zhang.
Bạch tuộc tàng hình đổi màu trong nháy mắt
Thợ lặn Enda tới từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, quay được cảnh tượng một con bạch tuộc có khả năng tàng hình nhờ thay đổi màu sắc liên tục hòa lẫn với môi trường xung quanh ở đáy biển ngoài khơi đảo san hô Ari, Maldives.
Con bạch tuộc liên tục biến đổi màu nâu, màu xanh nước biển hòa với môi trường xung quanh khiến cho nó gần như không thể bị phát hiện. Enda cho biết anh coi bạch tuộc là một trong những sinh vật khó phát hiện nhất bởi khả năng "tàng hình", biến đổi màu sắc giống môi trường xung quanh để ngụy trang. (
XEM THÊM)
Rất khó phát hiện con bạch tuộc đang ẩn mình dưới đáy biển. Ảnh: Mirror
Biến rác thải nhựa thành nấm ăn
Nhà khoa học người Áo Katharina Unger cùng đồng nghiệp Julia Kaisinger ở Đại học Utrecht (Hà Lan) đã phát triển công nghệ mang tên Fungi Mutarium trong vài năm qua để biến nhựa phế thải thành nấm ăn được.
Nhóm nghiên cứu sử dụng 2 chủng nấm chuyên ăn nhựa là Pleurotus ostreatus và Schizophyllum commune. Họ khử trùng rác thải nhựa bằng tia cực tím và cho nhựa vào lớp vỏ làm từ thạch dẻo. Tiếp đó, họ thêm nấm ăn nhựa vào. Sau vài tuần, nhựa biến mất và nấm bao phủ toàn bộ lớp vỏ. Loại nấm này hoàn toàn có thể ăn được.
Công nghệ này đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng hứa hẹn đem đến phương pháp tái chế nhựa và sản xuất thực phẩm mới trong tương lai. (
XEM THÊM)
Nhựa được cho vào lớp vỏ làm bằng thạch dẻo.
Lưới lọc nước từ sương mù lớn nhất thế giới
Tổ chức phi chính phủ Dar Si Hmad đang triển khai dự án lắp đặt các tấm lưới lớn trên rìa Sahara, phía tây nam Morocco nhằm thu hơi ẩm từ không khí, biến sương mù thành nước uống. Phương pháp này tương tự quá trình cô đặc sương thành nước khi thiếu mưa của cây thông và các loài cây gỗ đỏ khác. "Đây là dự án thu thập sương mù lớn nhất thế giới", Tổ chức Dar Si Hmad cho biết.
Các tấm lưới được đặt ở độ cao 1.225 mét, trải dài trong khu vực rộng 600 m2 và trung bình tạo ra 6.000 lít nước mỗi ngày. Dự án thí điểm hiện nay đang cung cấp nước sạch cho 500 người ở 5 làng nằm trong vùng Anti Atlas, nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán. Nó đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân địa phương. (
XEM THÊM)
Các tấm lưới lọc nước từ sương mù được lắp đặt ở Morocco. Ảnh: Dar Si Hmad
Con bò cao gần 2m, nặng hơn 1 tấn ở Mỹ
Danniel, tên con bò sữa giống Holstein của Hà Lan, khiến nhiều người choáng ngợp bởi thân hình khổng lồ, nặng 1.041 kg, cao 1,93 m. Mỗi ngày con vật này ăn tới 45 kg cỏ khô, 7 kg thóc, uống hơn 300 lít nước và cho ra lượng chất thải gần 70 kg.
Chủ nhân của Danniel là anh Ken Farley, sống ở Eureka, bang California cho biết đã gửi hồ sơ lên tổ chức Guiness, hy vọng sớm được công nhận là con bò đực cao nhất thế giới. Do ăn một khối lượng thức ăn lớn, vượt quá khả năng chu cấp của chủ nhân, Danniel mới đây đã được anh Farley gửi tới Trang trại Lost Coast Hay Farm. Trang trại dự định sẽ xây chuồng riêng để Danniel ở trong mùa đông, nơi mọi người có thể đến thăm và chiêm ngưỡng nó miễn phí. (
XEM THÊM)
Chú bò Danniel với thân hình to lớn. Ảnh: Barcroft
Hiện tượng thời tiết kỳ lạ tại Bắc Cực
Các nhà khoa học đang ghi nhận mức nhiệt độ “siêu nóng” khác thường tại Bắc Cực, có nghĩa là những khối băng ở đó bắt đầu tan chảy, thay vì nước biển bắt đầu đóng băng như thường lệ. Họ cho rằng đây là điều chưa từng xảy ra tại Bắc Cực nhiều năm trở lại đây, nhiệt độ cao hơn 20 độ C so với bình thường. Nhiệt độ cao bất thường cũng là nguyên nhân gây ra những hiện tượng thời tiết kỳ lạ, trong đó luồng không khí lạnh bị đẩy về phía nam.
Nhà khí tượng học Eric Holthaus cho rằng biến đổi khí hậu thực ra có thể dẫn đến lượng băng biển nhiều hơn trong những năm tới. Lý do: nước ngọt thất thoát từ Nam Cực đóng băng nhanh hơn nước mặn nên sẽ thúc đẩy quá trình hình thành băng, khiến lượng băng biển tăng lên. (
XEM THÊM)
Nhiệt độ Bắc Cực đang tăng cao bất thường. Ảnh: U.S. FISH AND WILDLIFE SERVICE
Đ. Dung (Tổng hợp)