Thẩm định, ngăn công nghệ lạc hậu
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nêu ý kiến, hiện nay hoạt động chuyển giao công nghệ ở nước ta chưa thực sự phát triển, chủ yếu là nhập công nghệ qua việc mua bán trang thiết bị, máy móc của các dự án đầu tư do doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài triển khai ở Việt Nam.
Thực tế nhập công nghệ lạc hậu trong các lĩnh vực sản xuất như ximăng, mía đường, nhiệt điện chạy than, sản xuất thép, sản xuất giấy… không những kìm hãm năng suất lao động mà còn gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Vấn đề quan trọng đặt ra lúc này là ngăn chặn để Việt Nam không trở thành bãi rác công nghệ cũ, lạc hậu của nước ngoài.
Do đó, ông Tuấn đánh giá cao việc ban soạn thảo đưa vào dự án luật một điều mới là điều 12. Theo đó, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ được hưởng các ưu đãi về thuế, hồ sơ khai thuế phải thể hiện các nội dung: Số lượng chuyển giao hoặc nhận chuyển giao, tên công nghệ, đối tượng công nghệ, xuất xứ và giá trị công nghệ chuyển giao; ưu đãi thuế gắn với công nghệ được chuyển giao.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp chiều 22/11. Ảnh: BN
Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng cần quy định thẩm định công nghệ cho tất cả các dự án, bổ sung quy định cụ thể, trách nhiệm thẩm quyền của các cơ quan kiểm số công nghệ, đặc biệt trách nhiệm của các cơ quan thẩm định công nghệ khi có sự cố. Ông Trí đề nghị bổ sung một khoản quy định về thành phần, tiêu chuẩn của thành viên hội đồng thẩm định.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cũng kiến nghị quy định chặt chẽ về thẩm định công nghệ, thành phần của tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định, trách nhiệm của hội đồng thẩm định, số lượng, thành phần, trình độ và tỷ lệ chuyên gia trong thành phần hội đồng, trách nhiệm của hội đồng và từng thành viên. “Cần có một chương riêng quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hội đồng chuyển giao công nghệ” - bà Thuỷ nói.
Bộ KH&CN cần thêm quyền, bớt trách nhiệm
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) bày tỏ sự đồng tình cao với dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và cho rằng luật lần này có nhiều điểm mới quy định rõ hơn trình tự và bước đi trong việc CGCN, đặc biệt là đã lường trước được một số hệ quả của việc thẩm lậu những công nghệ lạc hậu đối với đời sống kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng dự thảo luật chưa quy định rõ về Quỹ Phát triển chuyển giao công nghệ: “Bộ KH&CN cần được trao quyền mạnh mẽ hơn nữa, Bộ KH&CN phải là chủ quỹ này và bộ trưởng là chủ tịch quỹ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hoạt động của quỹ trong quá trình chuyển giao công nghệ. Nếu quỹ chỉ như cơ quan giúp việc của bộ thì sẽ không thành công. Vấn đề ở đây không phải là tiền mà là cơ chế vận hành cũng như trách nhiệm của bộ trưởng. Quỹ phải là động lực, là bà đỡ để các nhà đầu tư, nhà khoa học đẩy mạnh chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu vào sản xuất”.
Ông Kiên cũng cho rằng, việc “lọc” công nghệ lạc hậu trên thực tế không chỉ là trách nhiệm của Bộ KH&CN mà còn cả Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính... Tuy nhiên, dự thảo luật đang quy trách nhiệm về Bộ KH&CN. “Cần có quy định thể hiện vai trò của các bộ, ngành liên quan để phối hợp thực hiện” - ông Kiên góp ý.
Khẳng định ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu và có phương án chỉnh sửa trong từng nội dung điều khoản cụ thể, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, 18 ý kiến mà các đại biểu đã nêu đều rất xác đáng, xuất phát từ góc nhìn toàn diện về thực tiễn công tác trong các ngành.
“Các ý kiến bám sát tinh thần mục tiêu của luật, tạo môi trường pháp lý để thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ, thương mại hóa, góp phần nâng cao trình độ công nghệ quốc gia của doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các góp ý, hoàn thiện dự án luật, trình Quốc hội vào kỳ họp thứ ba tới.