Chuyện các hãng phim Hollywood phải nhượng bộ Trung Quốc đã không còn là mới. Mới đây, một Thượng nghị sĩ Mỹ đã tuyên bố muốn chấm dứt tình trạng này.

Theo New York Post, hượng nghị sĩ Ted Cuz vừa giới thiệu một đạo luật cho phép Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chấm dứt hỗ trợ các hãng phim Hollywood, trong trường hợp họ chấp nhận để cho Trung Quốc kiểm duyệt nội dung và đưa ra yêu cầu chỉnh sửa. Cuz đưa ra Đạo luật "Ngăn chặn Kiểm duyệt, Khôi phục Tính toàn vẹn và Bảo vệ Tuyên ngôn nghệ thuật", nhằm xóa bỏ tình trạng các hãng phim làm ăn với Lầu Năm Góc nhưng vẫn cố chiều lòng Trung Quốc.

.

Thượng nghị sĩ Ted Cuz (ảnh: Getty Images)

Lâu nay, các hãng phim Hollywood vẫn thường làm việc với Lầu Năm Góc để được Bộ Quốc phòng chấp thuận cho phép tiếp cận các khí tài quân sự, như chiến đấu cơ, xe tăng, căn cứ hải quân, máy bay phản lực,... Cùng với đó là các tham vấn về mặt quân sự, hỗ trợ trong quá trình dàn dựng phim trở nên chân thực hơn. Với đạo luật mà Cuz đưa ra, các quyền lợi đó sẽ bị xóa bỏ nếu hãng phim để Trung Quốc nhúng tay vào dự án.

"Đã quá lâu rồi, Hollywood đồng lõa với Trung Quốc trong hoạt động tuyên truyền, kiểm duyệt dưới cái mác kiếm nhiều tiền hơn. Đạo luật SCRIPT (Stopping Censorship, Restoring Integrity, Protecting Talkies Act) giống như một lời cảnh tỉnh buộc các studio Hollywood phải đưa ra lựa chọn, giữa việc được chính phủ Mỹ hỗ trợ hoặc doanh thu từ phòng vé Trung Quốc".Có đến hàng tá các trường hợp nội dung phim bị lồng ghép, chỉnh sửa chỉ để chiều lòng Trung Quốc.

Ông muốn Lầu Năm Góc dừng việc hỗ trợ cho Hollywood nếu họ tiếp tục đồng thuận với chính sách kiểm duyệt của Trung Quốc.

Đạo luật Ngăn chặn Kiểm duyệt, Khôi phục Tính toàn vẹn và Bảo vệ Tuyên ngôn nghệ thuật (SCRIPT: Stopping Censorship, Restoring Integrity, Protecting Talkies Act) sẽ được ông trình bày tại kỳ họp tới của Thượng viện Mỹ. Cuz từ lâu đã được biết tới là một nhân vật tích cực chỉ trích Trung Quốc, đặc biệt nhắm vào chính sách kiểm duyệt của Bắc Kinh.

Năm ngoái, ông đã công kích Paramount Pictures khi họ đồng ý xóa bỏ những nội dung có thể không được lòng Trung Quốc trong bộ phim Top Gun: Maverick. Cuz tuyên bố: "Hollywood sợ hãi phải lên tiếng cho tự do ngôn luận". Phần nội dung mà Thượng nghị sĩ nhắc đến chính là lá cờ của Nhật Bản và Đài Loan trên áo khoác của nhân vật chính do Tom Cruise đóng. Nó đã bị xóa bỏ trong trailer do các yếu tố nhạy cảm trong quan hệ lịch sử và chính trị giữa Trung Quốc với Đài Loan, Nhật Bản.

.

Trung Quốc cấp phép cho 20th Century Fox sau khi đồng ý cắt hết các cảnh nhạy cảm về nhân vật chính (ảnh: Noizr).

Một vài trường hợp khác có thể kể ra như Bohemian Rhapsody, phim tiểu sử về ban nhạc Queen. Trung Quốc đã yêu cầu hãng 20th Century Fox loại bỏ các cảnh liên quan tới yếu tố đồng tính của nhân vật Freddie Mercury. Hay như trường hợp vừa rồi của phim Abominable do DreamWorks hợp tác với Pearl Studio (Trung Quốc) sản xuất. Bộ phim sau đó đã bị phản ứng dữ dội bởi các nước Đông Nam Á khi lồng ghép hình ảnh 'đường lưỡi bò' trong một phân cảnh.

Cũng có trường hợp nhà phát hành "cứng rắn" khi từ chối chỉnh sửa bản phim theo yêu cầu, chấp nhận không qua được cửa kiểm duyệt để vào rạp chiếu Trung Quốc. Ví dụ như Once Upon A Time in Hollywood của Quentin Tarantino. Một phân cảnh về nhân vật Lý Tiểu Long giao đấu đã làm phật ý con gái của cố võ sư và nhà chức trách, Sony bị yêu cầu cắt bỏ đoạn đó nhưng họ đã từ chối. Hãng phim đứng về phía đạo diễn Tarantino, quyết định giữ nguyên ý tưởng sáng tạo của ông và để mất cơ hội thu thêm tiền vé tại Trung Quốc.

Tarantino nói "Không" với kiểm duyệt Trung Quốc và Sony cũng đồng ý (ảnh: Sony)

Sự việc này đặt các Big 5 của Hollwood vào thế khó khi Trung Quốc là thị trường tỷ dân, có vai trò lớn trong chiến lược phát hành phim của họ. Big 5 ở đây là nhóm 5 hãng phim lớn nhất thế giới - Disney, Universal, Sony, Warrner Bros và Paramount - thường xuyên nhận được hỗ trợ của chính phủ Mỹ.

Ví dụ các cảnh chiến đấu của quân đội Mỹ trong các phim Transformer, Pearl Habor (Trân Châu Cảng) hay Midway. Hay như tác phẩm Iron Man đã khai sinh ra Vũ trụ Điện ảnh Marvel, cũng có sự cố vấn từ Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, phim The Avengers thì không có may mắn đó. Các quan chức đánh giá tổ chức bán quân sự S.H.I.E.L.D không khả thi trong quy trình ban hành mệnh lệnh chỉ huy thực tế.

Nếu không có Trung Quốc đóng góp, 'Avengers: Endgame' đã không thể san bằng kỷ lục của 'Avatar'

Trong chiều ngược lại, đóng góp của thị trường tỷ dân trong doanh thu là rất lớn. Thực chất, các hãng phim chỉ nhận về 25% doanh thu bán vé từ Trung Quốc. Nhưng với lượng khán giả khổng lồ, rất nhiều phim đã phải nhờ đến thị trường này để lập kỷ lục, đạt chỉ tiêu hòa vốn hay sinh lãi lớn. Đã không ít lần phòng vé Trung Quốc cứu thua cho Hollywood. Đây quả thực là một bài toán nan giải cho các nhà làm phim.

Ambitious Man