"Nhìn nhận một cách thẳng thắn, chúng ta phải thừa nhận rằng khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Diễn ra vào ngày 22/12 tại Hà Nội, đây là dịp để đánh giá tình hình hoạt động và kiểm điểm quá trình lãnh đạo, điều hành của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam (cấp trung ương và cấp tỉnh) trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, bầu ban chấp hành cho nhiệm kỳ mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội. Nguồn: TA
Với gần 8,1 triệu thành viên (bao gồm hộ cá thể, cá nhân và doanh nghiệp) tham gia các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên cả nước, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có vai trò quan trọng với nền kinh tế Việt Nam.
Đến dự và phát biểu với Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Qua báo cáo và theo dõi tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tôi vui mừng khi thấy rằng trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến cuối năm 2020, có 26.040 hợp tác xã, tăng 4,5% so với năm 2015; số hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm 59% tổng số hợp tác xã (tăng 3 lần so với năm 2015); số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị tăng 6,8 lần so với năm 2015; khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP của cả nước; gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nhiều hợp tác xã, liên hiệp htx hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, điển hình như hợp tác xã lâm nghiệp công nghệ cao (Phú Yên), hợp tác xã Anh Đào (Lâm Đồng), liên hiệp hợp tác xã thương mại TP HCM Sài Gòn Coop,...”
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực song theo Thủ tướng, “nhìn nhận một cách thẳng thắn, chúng ta phải thừa nhận rằng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; sự liên kết, hợp tác với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều bất cập; một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến hoạt động của hợp tác xã, hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam còn nhiều khó khăn, vướng mắc, khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế dẫn đến thiếu nguồn lực hỗ trợ các thành viên”.
Việc tìm cách giải quyết những vấn đề trên để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là điều cần thiết với Việt Nam, “đặc biệt trong thời gian sắp tới, khi chúng ta phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và khu vực về hiệp định thương mại tự do; vấn đề về sản phẩm an toàn, chất lượng, an ninh lương thực; cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra rất gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế, nhất là đối với những hộ kinh doanh cá thể," Thủ tướng nhấn mạnh.
Bài học thực tiễn thành công trong nước và quốc tế đều chỉ ra rằng, liên kết giữa các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để xây dựng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là con đường phù hợp và hiệu quả nhất để cải thiện cuộc sống của hàng triệu hộ cá thể và nông dân,” Thủ tướng nhận định. “Từ khi hợp tác xã đầu tiên được hình thành ở châu Âu cách đây gần hai thế kỷ, đến nay đã có hơn 3 triệu hợp tác xã hoạt động, thu hút hơn 1,2 tỷ thành viên tham gia, đóng góp hơn 10% GDP và bảo đảm đời sống cho hơn một nửa dân số toàn cầu. Tại những quốc gia tiên tiến, hợp tác xã vẫn giữ một vai trò quan trọng, chẳng hạn như Hoa Kỳ có gần 50.000 hợp tác xã với khoảng 150 triệu thành viên, các hợp tác xã nông nghiệp đảm nhận gần 1/3 công việc thu hoạch, chế biến và thương mại nông nghiệp, tổng doanh thu vào khoảng 100 tỷ USD; tại New Zealand, hợp tác xã đóng góp 20% GDP, chịu trách nhiệm 95% thị trường sữa và 95% kim ngạch xuất khẩu sữa,...”.
Để khắc phục tình trạng trên, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đề xuất 5 chương trình hành động trong giai đoạn 2021-2025: (1) Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; (2) Nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; (3) Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để kết nối với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,... nâng cao năng lực, hiệu quả tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ cho thành viên, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; (4) Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hợp tác xã quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực; (5) Củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự đồng tình với 5 chương trình hành động trọng tâm đã đề ra, đồng thời nhấn mạnh về vai trò của cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu hợp tác xã. “Chúng ta phải nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ quản trị hợp tác xã, đặc biệt là người đứng đầu hợp tác xã không chỉ cần có kiến thức, kỹ năng của một doanh nhân, mà còn phải có một trái tim cống hiến cho cộng đồng. Hợp tác xã kiểu mới phải là một thiết chế kinh tế tiến bộ, tạo ra lợi ích, nâng cao thu nhập, lấy lợi ích của thành viên làm trung tâm”.
Trong đại hội khuôn khổ đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập Hạng Nhì cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam do đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác. |