"Trong điều kiện thời gian và nguồn lực có hạn của đất nước, đổi mới sáng tạo chính là chìa khoá để giải quyết các bài toán mà đại dịch mang lại. Mục tiêu xa hơn, đổi mới sáng tạo phải góp phần đảm bảo cuộc sống ấm no của người dân và bảo vệ tổ quốc…"
Đó là phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sự kiện “Dấu ấn TECHFEST và WHISE 2021” chiều 14/12 tại Hà Nội.
Đến dự sự kiện tiêu điểm của TECHFEST năm nay, Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng về khí thế, tinh thần khởi nghiệp tại đây, nơi thông điệp "phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mở" do Bộ KH&CN lần đầu đưa ra được nhiều chủ thể trong hệ sinh thái trao đổi, thảo luận. Đồng thời, Thủ tướng đã có những chỉ đạo, định hướng rất sát sao về thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Theo đó, các hoạt động đổi mới sáng tạo phải được triển khai đồng bộ, tổng thể trên mọi địa phương, mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp, mọi lứa tuổi, giới tính, vùng miền để tạo ra sự lan toả, mang lại hiệu quả thiết thực.
Về vai trò của đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, quốc gia nào, thời kỳ nào cũng cần đổi mới sáng tạo. Đây vừa là trung tâm vừa là động lực của sự phát triển, nếu không có đổi mới sáng tạo thì không có phát triển.
Để làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu: “Đổi mới sáng tạo phải là sự nghiệp của toàn dân nên cần có cách tiếp cận kiểu toàn dân. Mọi người dân, mọi chính sách đều phải tham gia và hướng tới đổi mới sáng tạo thì mới thành công”.
Mở đường cho doanh nghiệp spin-off trong trường đại học
Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra diễn đàn đối thoại cấp cao với chủ đề “Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở”.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, trong năm 2021, khái niệm mở đã được đưa vào các hoạt động khởi nghiệp.
“Khái niệm mở của năm 2021 đã khác với các năm trước. Nếu như trước đây, người làm khởi nghiệp chỉ kết nối với các thành phần trong hệ sinh thái như nhà đầu tư, người cố vấn… thì từ năm 2021, sự kết nối này đã mở rộng ra với sự tham gia các tập đoàn, doanh nghiệp và cách làm cũng khác. Cụ thể, không phải chờ đến khi startup có sản phẩm mới chia sẻ mà các tập đoàn tham gia ngay từ khâu hình thành ý tưởng. Họ đặt bài toán cụ thể với yêu cầu về đầu ra. Nếu không đủ năng lực, người làm khởi nghiệp có thể tìm tới sự cố vấn của chuyên gia, nhà khoa học từ viện nghiên cứu trong và ngoài nước, tham vấn kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất, thương mại hoá sản phẩm từ chính doanh nghiệp tập đoàn” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Bổ sung ý kiến của Thứ trưởng Trần Văn Tùng, ông Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, đổi mới sáng tạo mở dựa trên khoa học mở là xu hướng trên thế giới. Cuối tháng 11 vừa qua, UNESCO đã đưa ra khuyến nghị về khoa học mở, dữ liệu mở, và cách tiếp cận mở cho xã hội và cộng đồng. Trong chiến lược xây dựng đô thị đại học thông minh để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội hướng tới xây dựng kênh kết nối với doanh nghiệp để đưa nghiên cứu áp dụng thực tế. Vì thế, ông Phạm Bảo Sơn kiến nghị chính sách cởi mở để viện nghiên cứu, trường đại học có thể hình thành doanh nghiệp spin-off (khởi nguồn), thử nghiệm các sản phẩm mới.
“Bộ KH&CN đang làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM để tháng 6/2022 sẽ trình lên Thủ tướng đề án thử nghiệm sandbox – cho phép cán bộ giảng dạy, nhà khoa học trong trường đại học, viện nghiên cứu có thể hình thành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng tiết lộ.
Nếu được phê duyệt, đề xuất này của Bộ KH&CN sẽ mở đường cho sự hình thành các doanh nghiệp mới từ các nghiên cứu. Sau đó, Bộ KH&CN sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả của mô hình cùng với sự tư vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp... để đưa ra các điều chỉnh cuối cùng.