Nằm trong chuỗi sự kiện của Techfest 2021, Hội nghị "Đổi mới sáng tạo mở: Hợp tác cùng phát triển", diễn ra sáng 14/12, đề cập các cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở và phân tích các mô hình đổi mới sáng tạo mở thành công trên thế giới.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN - tin rằng, giờ là lúc các viện nghiên cứu/trường đại học và startup coi các tập đoàn, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chính; còn các tập đoàn, doanh nghiệp cũng sẽ mở rộng hệ sinh thái của mình, sử dụng trí tuệ bên ngoài từ startup, viện/trường… để phát triển những sản phẩm đổi mới.
Mô hình này thực tế đã thành công ở Singapore. Hàng trăm nhóm sinh viên đến từ các trường đại học trên thế giới đã cùng nhau giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp và chính phủ Singapore thông qua các cuộc thi khởi nghiệp. Các giải pháp đi ra từ những cuộc thi này được xây dựng thành gói công nghệ, dự án đi kêu gọi đầu tư hay hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp để gọi vốn.
“Các doanh nghiệp lớn khi đó có thể trở thành nhà đầu tư và nguồn lợi mà họ thu được có thể còn lớn hơn các ngành ngành truyền thống. Doanh nghiệp theo đó cũng trở thành người đặt hàng, người sử dụng sản phẩm và nhà đầu tư cho đổi mới sáng tạo, tạo ra sự phát triển không giới hạn trong ngành sản xuất kinh tế. Khi đó, chữ 'mở' sẽ ngày rộng lớn” – ông Phạm Hồng Quất nói.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) thuộc Bộ KH&CN đã ký Biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) về hợp tác phát triển công nghệ số, dẫn dắt chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp; và trung tâm đổi mới sáng tạo Viet Lotus ký Thỏa thuận hợp tác với Vietcombank, theo đó ngân hàng này sẽ thí điểm vai trò tiên phong khuyến khích các doanh nghiệp khác mạnh dạn tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo mở nhằm tận dụng tri thức cộng đồng, tri thức xã hội giải quyết các bài toán chuyển đổi số của chính doanh nghiệp mình.
Bích Ngọc