"Về lâu dài, những nghiên cứu từ Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển (chương trình 562) sẽ là một trong những minh chứng cho thấy nghiên cứu cơ bản cần thiết đến mức nào đối với sự phát triển của một nền kinh tế, xã hội".

Đó là nhận định của Thứ trưởng Phạm Công Tạc tại buổi báo cáo hoạt động Chương trình 562 vào ngày 2/7/2020.

Bắt đầu từ năm 2017, Chương trình 562 được kỳ vọng đặt mục tiêu nâng cao tiềm lực khoa học cơ bản của Việt Nam thông qua việc xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, phát triển được một số hướng nghiên cứu cơ bản có tính liên ngành, đa ngành, làm chủ các công nghệ tiên tiến để phục vụ sản xuất và đời sống... Theo nhận xét của Thứ trưởng Phạm Công Tạc, “những nghiên cứu từ Chương trình sẽ vừa góp phần tích cực vào nâng cao năng lực nghiên cứu và số lượng công bố quốc tế nhưng cũng có tiềm năng đáp ứng những bài toán kinh tế xã hội của đất nước”.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại buổi họp.

Dù có thể sẽ phải chờ đến khi kết thúc chương trình mới có thể đánh giá được chính xác những mục tiêu đạt được nhưng ở thời điểm này, các bên tham gia Chương trình như Bộ GD&ĐT, Bộ TN&MT, ĐHQGHN, ĐHQG TPHCM… đều cho rằng, việc được tham gia một chương trình ý nghĩa nữa do Bộ KH&CN quản lý đã mở ra những cơ hội mới để các nhà nghiên cứu, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ mới trở về từ nước ngoài, thực hiện nghiên cứu cơ bản. Bà Nguyễn Hoàng Lan, Phó Vụ trưởng Vụ KH, CN và Môi trường (Bộ GD&ĐT), ý nghĩa quan trọng của Chương trình 562 khiến Bộ GD&ĐT đã thành lập hẳn hội đồng khoa học riêng để tập trung vào xây dựng nhiệm vụ và xét duyệt các nhiệm vụ, qua đó tạo điều kiện cho những giảng viên có khả năng nghiên cứu tốt và ở những lĩnh vực của chương trình tham gia.

Cũng nắm bắt cơ hội nghiên cứu từ Chương trình 562, ĐHQGHN và ĐHQGTPHCM đã kết hợp việc thực hiện các nghiên cứu theo bốn lĩnh vực với việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong bốn lĩnh vực đó, “ví dụ như nhóm nghiên cứu của giáo sư Phan Thanh Sơn Nam ở trường ĐH Bách khoa TPHCM luôn có những công trình xuất bản trên các tạp chí hàng đầu lĩnh vực và có những mối quan hệ hợp tác với nhiều nhóm mạnh ở châu Âu và Mỹ”, đại diện ĐHQGTPHCM cho biết.

Trong khi đó, ĐHQGHN còn có những bước chuẩn bị bài bản như “sắp xếp lại hệ thống phòng thí nghiệm cho các ngành khoa học cơ bản để có thể lên kế hoạch đầu tư bài bản hơn, hỗ trợ một cách lâu dài và hiệu quả các nhóm nghiên cứu mạnh”, PGS. TS Vũ Văn Tích đề cập đến tác động ban đầu của chương trình. Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng thúc đẩy việc thực hiện các đề tài nghiên cứu theo các hướng quan trọng là tổ chức hội thảo quốc tế, biên soạn sách, giáo trình phục vụ đào tạo cơ bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài và ưu tiên các đề tài mang tính liên ngành để có thể thu hút những đối tác ngoài trường cùng tham gia…

Một phòng thí nghiệm ở Khoa Y dược ĐHQGHN. Ảnh: TTXVN.

Bên cạnh những điểm sáng, quá trình triển khai các đề tài từ Chương trình 562 cũng đi liền với một số khó khăn, vướng mắc nhất định như kinh phí chưa đáp ứng được hết nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt với những lĩnh vực cần đầu tư lớn cho công việc khảo sát, thực nghiệm như Khoa học trái đất; số lượng nhân lực trong một số lĩnh vực nghiên cứu như Khoa học trái đất, Khoa học biển còn khiêm tốn; việc đầu tư, tổ chức quản lý hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm vẫn chưa hỗ trợ tốt các nhà nghiên cứu, chưa tăng được hiệu quả sử dụng… Đây là những vấn đề mà các đơn vị rất cần sự hỗ trợ tư vấn của Ban quản lý Chương trình 562 cũng như Bộ KH&CN.

Trước những vấn đề đặt ra, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đánh giá, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng chương trình về cơ bản đã đem lại nhiều kết quả tích cực, qua đó góp phần khẳng định “nghiên cứu cơ bản cần thiết đến mức nào đối với sự phát triển của một nền kinh tế, xã hội”. Để có thể đóng góp nhiều hơn vào đời sống xã hội và an ninh quốc phòng, đồng thời có thêm nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học biển, Bộ KH&CN cùng Quỹ NAFOSTED đã bàn bạc đến vấn đề thành lập hội đồng Khoa học biển, qua đó “không để lẫn các nghiên cứu về Khoa học biển vào các hội đồng về Khoa học trái đất hay Khoa học sự sống”.