Chuyển đổi mô hình tăng trưởng để tồn tại và phát triển bền vững đất nước là thách thức cấp bách đang được đặt ra, đòi hỏi phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò động lực của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong một nền kinh tế hội nhập toàn cầu đầy cạnh tranh và biến động khắc nghiệt, nguy cơ bị thay thế và đào thải tiềm ẩn ở mọi nơi và có thể đến với mọi cá thể, dù đó là những người nông dân cần cù chất phác, những người thợ lành nghề lâu năm, hay những doanh nhân làm ăn chân chính. Sự tồn tại và phồn vinh của họ chỉ được đảm bảo khi hội tụ xung quanh những sản phẩm có vị thế vượt trội nhờ vào những đóng góp của chất xám và tiến bộ khoa học – công nghệ.
Trong số báo xuân của Khoa học và Phát triển năm nay, chúng ta nhìn thấy chân dung của những con người miệt mài đổi mới sáng tạo với các nguồn lực bản địa để cống hiến cho cuộc sống những sản phẩm tinh hoa như vậy.
Họ là những kỹ sư nghiên cứu ra hàng chục công nghệ lõi được bảo hộ độc quyền sáng chế tại Mỹ trong lĩnh vực vốn là sân chơi của những tên tuổi như Oracle hay IBM, giúp một tập đoàn trong nước cạnh tranh song phẳng với các ông lớn trên thế giới; người sinh viên vừa ra trường đã xây dựng một quy trình sản xuất và kinh doanh chuẩn mực cho một hợp tác xã để giảm giá thành và gia tăng chất lượng sản phẩm trở thành thương hiệu mạnh trong nước của ngành dược phẩm từ thiên nhiên; nhà khoa học nghiên cứu làm ra sơn chống nóng ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại hàng đầu mà không cần đến các vật liệu cao cấp, chỉ cần vật liệu phổ biến trong công nghiệp phù hợp với thị trường trong nước; người doanh nhân dành vài chục tỉ mỗi năm cho R&D, dùng công nghệ IoT để tự động hóa quy trình sấy nông sản, không dùng phụ gia và chất bảo quản, tạo ra sản phẩm lành sạch có sức cạnh tranh toàn cầu v.v.
Đó chỉ là những ví dụ trong số rất nhiều những con người thầm lặng từ mọi thành phần, đã và đang góp phần quan trọng mang lại vị thế và sức cạnh tranh quốc tế cho sản phẩm của những tập đoàn, doanh nghiệp trong nước, tạo sinh kế bền vững cho người lao động, những hộ gia đình, các vùng nguyên liệu.
Như Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã nói, để tăng cường sức cạnh tranh của quốc gia và tạo nền tảng phát triển bền vững, cần phải có những cải thiện rõ rệt về chất và lượng đối với các nguồn lực dành cho khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hiển nhiên, nguồn lực ở vị trí trung tâm chính là con người. Vì vậy, chúng ta trân quý và cần thêm rất nhiều những nhà nghiên cứu, nhà sáng chế, những doanh nhân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, và mọi cá nhân khác cùng tập trung tâm sức cho những đổi mới để làm ra sản phẩm tối ưu trong mỗi ngành nghề.
Bước sang năm mới Nhâm Dần 2022, chúng ta hy vọng những con người ấy sẽ phát huy được nhiều nhất từ chất xám, tài năng và sức sáng tạo của mình. Họ chính là huyết mạch thiết yếu cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.