Việc loại bỏ khối lượng rác thải nhựa khổng lồ gây ô nhiễm đại dương cần nhiều hướng tiếp cận khác nhau, bao gồm chặn đường dẫn rác trên sông. Tại Việt Nam, một loại thiết bị thu gom rác được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ này.
Mặc dù nó không có bề ngoài "bắt mắt" như chiếc Interceptor của dự án Ocean Cleanup, nhưng ý tưởng thì tương tự.
“Khoa học xác nhận chúng ta cần một bộ giải pháp toàn diện để chống lại tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, trong đó có giảm sự phụ thuộc vào nhựa nguyên sinh, khuyến khích hoạt động thu gom và tái chế, từ đó làm sạch môi trường,” Chever Voltmer từ tổ chức Ocean Conservancy cho biết. “Đường sông là một kênh dẫn rác thải chính ra biển, vì thế những thiết bị như này sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng. Mô hình này độc đáo và hứa hẹn nhờ giá thành phải chăng, có thể được thiết kế và chế tạo tại chỗ bằng vật liệu không quá khó kiếm.”
Đây là giải pháp của Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng Việt Nam (MCD), đã được thử nghiệm trên Sông Hồng trong một năm qua và thu gom hơn 18 tấn rác thải trôi nổi. Giờ đây, nhờ tài trợ của Sáng kiến đại dương thuộc đới Benioff (trên Thái Bình Dương, nơi tập trung nhiều địa chấn) thuộc tổ chức Clean Currents Coalition (tạm dịch: Liên minh làm sạch biển). Trong hai năm tới, nhiều thiết bị tương tự sẽ được triển khai dọc sông Hồng và các nhánh của nó, như tại tỉnh Nam Định, để dọn rác trước khi tiến ra Vịnh Bắc Bộ.
Những nhóm tình nguyện tại địa phương sẽ đảm nhận công việc thu gom và phân loại các mảnh rác do thiết bị giữ lại ba ngày một lần. Trong đó chai lọ sẽ được bán cho các cơ sở tái chế, còn những loại nhựa cấp thấp như túi nilon, màng bọc,… sẽ được xử lý tại một cơ sở đặc biệt ở Nam Định. Dữ liệu sẽ được Ocean Conservancy và các nhà khoa học của Việt Nam phân tích để đề xuất chiến lược phù hợp cho tương lai.
Sau cùng, mặc dù thiết bị này chưa xử lý được vi nhựa, nhưng những nỗ lực của MCD có thể sẽ mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn một lượng rác thải lớn từ sông đổ ra biển.
Hải Đăng (theo Ocean Conservancy)