Đằng sau chiếc cúp của Giải thưởng Cuộc thi SV Nghiên cứu KH Euréka 2015 là hình ảnh 4 bạn SV trường ĐH công nghệ TP.HCM thay phiên nhau thức trắng nhiều đêm chăm sóc cho những bầy… sâu.
Xuất thân từ gia đình nông nghiệp, vấn đề sâu hại lúa luôn là nỗi trăn trở với chàng sinh viên Nguyễn Hoàng Anh Kha. Phương pháp nghiên cứu mới là sử dụng hợp chất thứ cấp có nguồn gốc từ vi sinh vật đã được Kha quan tâm và ấp ủ nhiều năm trời. Phương pháp này đã được nghiên cứu nhiều trên thế giới nhưng ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ.
Theo Minh Châu – thành viên nhóm, ý tưởng thực hiện đề tài này xuất phát từ việc nhóm nhận thấy rằng việc sử dụng vi khuẩn và tuyến trùng để thực hiện bào chế thuốc trừ sâu sinh học đã được nhiều người áp dụng.
Tuy nhiên, đặc điểm của vi khuẩn và tuyến trùng là chúng có khả năng biến đổi gen dưới tác động của môi trường nên chúng ta sẽ khó lòng kiểm soát được các vấn đề về an toàn sinh học.
Trong khi đó, việc kiểm soát hợp chất dễ dàng hơn. Đồng thời, tách chiết hợp chất thứ cấp có nguồn gốc từ vi sinh vật cho hiệu suất cao. Vì vậy nhóm quyết định tách chiết prodigiosin – một dạng hợp chất thứ cấp từ vi sinh vật hiện đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Hợp chất thứ cấp prodigiosin được biết đến với những đặc tính như kháng khuẩn, kháng u, kiểm soát tảo biển gây hại, ức chế miễn dịch và đặc biệt nhất là khả năng kháng ung thư qua các cơ chế gây chết tế bào, ức chế chu trình tế bào và chống di căn.
Quá trình thí nghiệm được tiến hành trên vi khuẩn phân lập từ môi trường và sau đó trích ly để tiến hành phân tích hợp chất thứ cấp prodigiosin. Sau đó, nhóm thử nghiệm phương pháp mới trên đối tượng sâu khoang và sâu xanh da láng.
Trong giai đoạn thử nghiệm hoạt tính kháng sâu từ hợp chất prodigiosin, nhóm đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo dõi sâu.
Do không có điều kiện để tiến hành nuôi cấy nhân tạo sâu trong phòng thí nghiệm nên cả nhóm phải sử dụng những căn phòng trọ của mình làm nơi nuôi cấy.
Việc nuôi sâu cũng không hề đơn giản vì phải ước lượng được các giai đoạn phát triển của sâu để có thể tiến hành thí nghiệm đúng thời gian sinh trưởng của sâu, cho kết quả chính xác nhất.
“Quá trình ấp từ trứng nở ra sâu rồi theo dõi quá trình phát triển của chúng đến đúng thời điểm tiến hành thí nghiệm khiến nhiều đêm, các thành viên trong nhóm phải thức trắng. Nhiều khi các bạn cứ nói đùa là chăm sâu như chăm con mọn vậy”- Anh Kha, trưởng nhóm nhớ lại.
Sau quá trình thử nghiệm hoạt tính kháng sâu từ hợp chất prodigiosin, nhóm tiến hành phân tích và thống kê cho thấy, với liều lượng prodigiosin 4g/ha sẽ có chi phí rẻ hơn chỉ bằng 50% so với việc sản xuất thuốc trừ sâu hóa học mà vẫn đảm bảo tính thân thiện với con người và môi trường.
“Để phát triển đề tài, thời gian tới chúng em sẽ tiếp tục khảo sát các hoạt tính khác của prodigiosin như ức chế miễn dịch, kháng u và các hoạt tính khác để làm tiền đề cho ứng dụng của hợp chất màu dùng trong y học, nghiên cứu sản xuất hợp chất màu trong quy mô công nghiệp” - Hồ Thị Bích Phương, thành viên nhóm cho biết.
Chỉ bằng niềm đam mê, 4 bạn trẻ đã vượt qua những khó khăn để có được thành quả đóng góp cho ngành công nghệ sinh học ngày hôm nay. Bởi lẽ,“không phải nỗ lực nào cũng dẫn đến thành công, nhưng bất kì thành công nào cũng cần sự nỗ lực”.