Vượt qua 45 hồ sơ, dự án "Sơn làm mát thụ động cho các bề mặt ngoài trời" của nhóm tác giả từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đã giành chiến thắng chung cuộc.

Gian trưng bày của sơn làm mát RARE tại Techfest Hà Nội 2023. Trong ảnh, mô hình so sánh nhiệt độ của công trình khi phủ sơn làm mát (trái) và dùng mái tôn thông thường (phải). Ảnh: Ngô Hà
Gian trưng bày của sơn làm mát RARE tại Techfest Hà Nội 2023. Trong ảnh, mô hình so sánh nhiệt độ của công trình ngoài trời khi phủ sơn làm mát lên mái nhà (trái) và dùng mái tôn thông thường (phải). Ảnh: Ngô Hà

Phát động trong hơn nửa tháng (từ 18/9 - 2/10), cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hà Nội năm 2023 đã thu hút được 45 hồ sơ tham dự. Cuộc thi nằm trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô năm - Techfest Hà Nội 2023 do Sở Khoa học và Công nghệ của Thành phố tổ chức.

Ban giám khảo đã chấm điểm và chọn ra 12 dự án xuất sắc nhất để tham gia vòng chung kết ngày 2/10. Trong số này, có 11 dự án tập thể và 1 dự án cá nhân. Các dự án bao trùm nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo (AI), chế biến thực phẩm, dự án cộng đồng xã hội, và sản phẩm thân thiện với môi trường.

Kết quả chung cuộc vừa được công bố tại Lễ bế mạc Techfest Hà Nội 2023 ngày 14/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Theo đó, giải Nhất cuộc thi thuộc về dự án “Sơn làm mát thụ động cho các bề mặt ngoài trời" RARE của nhóm tác giả Nguyễn Quốc Hưng, Phạm Thị Hồng, Nguyễn Quốc Tuấn (Trung tâm nano và năng lượng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội).

Các dự án đạt giải tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hà Nội năm 2023
Các dự án đạt giải tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hà Nội năm 2023. Ảnh: Ngô Hà

3 giải Nhì thuộc về:
  • Dự án “VN Check – nền tảng truy xuất nguồn gốc 4.0” của Công ty Cổ phần Công nghệ và số hóa toàn cầu;
  • Dự án “Phát triển mô hình thông tin công trình BIM kết hợp nền tảng công nghệ GIS và trí tuệ nhân tạo trong hoạt động tư vấn kiến trúc và quy hoạch” của Viện Quy hoạch và Kỹ thuật giao thông vận tải (HUCE);
  • Dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, người tự kỉ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hà Nội”của tác giả Đào Thanh Hoàn.
3 giải Ba thuộc về:
  • Dự án “Ứng dụng blockchain trong quản lý văn bằng, chứng chỉ cơ quan nhà nước” của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông;
  • Dự án “Hệ sinh thái các sản phẩm dược dưỡng” của Công ty Cổ phần Dược thảo tinh hoa Herbest;
  • Dự án “Biến phụ phẩm cây trồng thành nguyên liệu giá trị cao” của Công ty Cổ phần Hoa khô XAVIA toàn cầu.
5 giải Khuyến khích thuộc về:
  • Dự án: “Ứng dụng GIS, Drone xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp phục vụ quản lý và quy hoạch phát triển mô hình xã thông minh huyện Thạch Thất, Hà Nội” của Công ty Cổ phần Sao Tháng Tám Việt Nam;
  • Dự án “Hệ thống camera an ninh giám sát vị trí bãi xe trống sử dụng công nghệ thị giác máy tính và ứng dụng điện thoại đặt chỗ để xe cho người dùng” của nhóm tác giả Lê Đức Anh, Hoàng Gia Minh, Nguyễn Dương Lan Nhi, Nguyễn Đức Hiệp, Lê Thị Ngọc Khánh.
  • Dự án “Endangered - Những người bạn XR” của nhóm tác giả Đặng Thị Minh Hằng, Trần Hoàng Anh.
  • Dự án “Yên - hỗ trợ đồng đẳng nâng cao sức khỏe tinh thần cho sinh viên thông qua mỹ thuật” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Thị Hà, Quản Tuấn Anh, Nguyễn Thị Mỹ Tâm (Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ ULIS)
  • Dự án “Camera cảm biến nhiệt phát hiện cháy bằng cách sử dụng AI” của nhóm tác giả Nguyễn Tuấn Đức, Nguyễn Hoàng Sơn, Lê Trần Phương Trà, Dư Đặng Kim Ngân.
Ban tổ chức cho biết các đội thi đoạt giải sẽ tiếp tục được xét chọn để nhận hỗ trợ từ các chính sách đổi mới sáng tạo của Thành phố, được giới thiệu dự Diễn đàn Kết nối đầu tư của Thành phố và được đề cử tham gia vào Cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào tháng 12/2023.