Tại hội thảo “Tầm nhìn quy hoạch phát triển khu nhà ở làng tri thức” tổ chức ngày 25/7, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến phục vụ việc lập quy hoạch, lập chiến lược đầu tư để xây dựng làng trí thức tại Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc. Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa “Chiến lược phát triển Khu CNC Hòa Lạc” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định ngày 27/5/2016.
Môi trường sống và làm việc tối ưuTheo quy hoạch, làng trí thức được xây dựng tại phía nam và tây nam của Khu CNC Hòa Lạc trên diện tích 75,5ha. Thành viên của làng sẽ thuộc nhiều thành phần khác nhau, có người thường trú tại đây, có người chỉ đến để làm việc. Dự tính đến năm 2020, dân số của làng sẽ là 229.000 người, trong đó số thường trú là 90.000 người.
Góp ý về vấn đề này, Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) Kim Donuyn - Đại học Sung Kuyn Kwan, Hàn Quốc, thuộc Chương trình Định cư con người của Liên Hợp Quốc - cho rằng, đặt trong bối cảnh của sự phát triển Vùng thủ đô Hà Nội và Khu CNC Hòa Lạc, sự phát triển của làng trí thức (khu ở) cần được phân tích và xem xét trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của Vùng thủ đô, đặc biệt là Khu CNC Hòa Lạc, Khu Đại học Quốc gia và Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
“Làng trí thức cần cung cấp các dịch vụ quan trọng về nhà ở, các tiện ích hạ tầng văn hóa - xã hội (ví dụ như y tế, giáo dục, giải trí), hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và sản xuất cho các cư dân của khu CNC (và cả xung quanh). Cần phải tạo ra sự khác biệt với một môi trường sống và làm việc tối ưu, nơi các cư dân có ảnh hưởng lẫn nhau, tôn trọng và đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái, xây dựng những giá trị nhân văn, sáng tạo và thân thiện với công nghệ” - GS-TS Kim Donuyn góp ý.
Góp phần phát triển kinh tế vùngTS Nguyễn Quang - Chương trình Định cư con người của Liên Hợp Quốc - gợi ý, tại làng trí thức cần có trung tâm giao lưu khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc tế của Việt Nam nhằm thu hút vốn đầu tư; cung cấp các dịch vụ hội nghị, giao lưu công nghệ và văn hóa sáng tạo làm nền tảng cho mạng lưới kết nối công nghệ kinh tế và văn hóa khu vực Đông Nam Á. Thông qua Khu CNC Hòa Lạc, cần chủ động giao lưu với các cụm CNC trên toàn cầu (như thông tin, sinh học, vật liệu mới, chế tạo) để tạo tiền đề kinh nghiệm cho mạng lưới doanh nghiệp và nghiên cứu phát triển Đông Nam Á.
TS Nguyễn Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu - cho rằng, việc thiết kế làng trí thức cần đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, giám sát và quản lý giao thông thông minh, quản lý an ninh, năng lượng và y tế thông minh; nhưng điều quan trọng là phải xây dựng chính sách mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm trên thế giới cũng như các nhà đầu tư trong nước.
“Cần tập trung mạnh mẽ nguồn lực con người, tài nguyên và tài chính để đảm bảo tiến độ, hoàn thành kế hoạch trong thời gian sớm nhất, góp phần hình thành và phát triển kinh tế vùng” - TS Thắng nhấn mạnh.
Theo kiến trúc sư, TS Ngô Lê Minh - Đại học Tôn Đức Thắng, TPHCM, đội ngũ chuyên gia - kể cả trong nước và nước ngoài - cống hiến chất xám và sáng tạo, lao động trí óc căng thẳng nên trong việc nghiên cứu thiết kế không gian ở cho đối tượng này cần lưu ý về mức độ tiện nghi, thoải mái. “Đặc biệt, cần có những không gian yên tĩnh, nghỉ ngơi, thư giãn để đảm bảo tái tạo sức lao động và giảm stress, đồng thời phù hợp với phong cách sống của họ” - ông Minh góp ý.
Theo ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc - việc phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu CNC Hòa Lạc, phát triển nhà ở là hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc. Theo ông, làng trí thức cần tận dụng ưu thế về hạ tầng, địa hình, kiến trúc cảnh quan, có ngôn ngữ kiến trúc đặc trưng phù hợp với tầm nhìn phát triển đô thị hiện đại, bền vững. Làng trí thức cũng cần có công năng tiện nghi, hài hòa, đáp ứng đúng nhu cầu sống của các chuyên gia và người lao động tri thức trình độ cao. Dự án này sẽ được triển khai vào năm 2017.