Hội nghị về xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam diễn ra tại TPHCM ngày 18/12 tới dự kiến sẽ có sự tham gia của 500 đại biểu, gồm đại diện các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, đại diện các doanh nghiệp.
Chiều 12/12, Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) Việt Nam đã tổ chức công bố chương trình hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Theo ban tổ chức, trong khuôn khổ hội nghị sẽ có buổi tọa đàm giữa lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, các doanh nghiệp về xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp. Đây là dịp cơ quan quản lý lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời đưa ra những chính sách hỗ trợ, hướng đến việc xây dựng một mô hình làm nông nghiệp kiểu mới với hình thức, quy mô và quy trình công nghiệp.
Một mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Khu nông nghiệp công nghệ cao
Lam Sơn Sao vàng (Thanh Hóa).
Tại hội nghị sẽ có các bài trình bày về kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân... của các doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại, liên kết sản xuất, chuyển đổi mô hình quản lý từ nông hộ truyền thống sang doanh nghiệp nông nghiệp và đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực tôm giống, chăn nuôi gia cầm, trái cây xuất khẩu.
Trong số đó có Công ty TNHH đầu tư thủy sản Nam Miền Trung. Từ mô hình sản xuất nhỏ, nhờ áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất tôm giống, công ty đã vươn lên thành doanh nghiệp đạt chuẩn công nghệ cao của Nhà nước, có 6 cơ sở sản xuất tôm giống được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ Mỹ, năng lực sản xuất 10-12 tỷ con giống/năm. Một ví dụ khác là
Công ty TNHH Huy Long An, từ mô hình kinh doanh cá thể đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu chuối lớn bậc nhất Việt Nam và là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên bán chuối sang Nhật.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch DAA Việt Nam phát biểu tại buổi công bố chương trình hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch DAA Việt Nam - cho biết, đơn vị này đã thiết lập một công cụ để người tiêu dùng và các cá nhân, tổ chức liên quan dùng kiểm soát chất lượng sản phẩm, chuỗi giá trị sản phẩm, thực phẩm an toàn và toàn bộ các thông tin về canh tác, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ...
"Chúng tôi có giải pháp mang tên Foodtrace, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh là có thể kiểm soát, truy xuất nguồn gốc cũng như quá trình vận hành chuỗi, tạo ra những giá trị sản phẩm sạch" - ông Sơn chia sẻ.
Loan Lê