Là nhận định của PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương được chia sẻ tại hội thảo “Sáng tạo vì cộng đồng và ra mắt kênh ươm tạo sáng kiến xã hội SOIN” diễn ra ngày 18/06. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Nền tảng Ươm mầm Đổi mới Sáng tạo Xã hội (Social Innovation Incubation Platform - SIIP) – hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại thương (FTU) và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) do IPP tài trợ.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương.
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Tuấn cho rằng thế giới ngày càng phải đối mặt với những vấn đề xã hội cấp bách như đói nghèo, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Nhiều vấn đề phát sinh trên quy mô toàn cầu buộc phải có giải pháp, cách thức mới, sáng tạo để cùng nhau giải quyết. Chính vì vậy, một trong ba từ khóa của diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016 là đổi mới sáng tạo xã hội - Social Innovation.
"Sáng tạo cộng đồng, không chỉ giúp các doanh nghiệp lớn tạo ra văn hóa đổi mới khác biệt của tổ chức, mà nó còn tạo nguồn cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều cá nhân, tổ chức. Để duy trì văn hóa đổi mới sáng tạo xã hội ở các doanh nghiệp lớn đã khó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xã hội càng nhiều khó khăn và thách thức", PGS-TS Tuấn nhấn mạnh.
Ở phạm vi hẹp hơn là Việt Nam, PGS.TS Trương Thị Nam Thắng – Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội – Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định: "Việt Nam là môi trường rất tốt để phát triển sáng tạo xã
hội vì chúng ta có rất nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Ví dụ tiếp cận trong học tập
đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa hoặc ở nông thôn; vấn đề quá tải trong
hệ thống chăm sóc y tế; vấn đề về người khuyết tật; cung cấp các dịch vụ về tạo công ăn việc
làm cho người khuyết tật; vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước, không
khí cũng như câu chuyện liên quan đến tính an toàn trong thực phẩm".
PGS-TS Thắng cho biết thêm, về cơ bản sáng tạo xã hội cũng khá tương đồng với doanh nghiệp xã hội về mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên đổi mới xã hội tập trung vào quy trình dẫn đến một sự thay đổi mang tính hệ thống và quy mô rộng, quy mô có thể cả một khu vực hoặc cộng đồng dân cư. Sáng tạo vì cộng đồng có thể bất nguồn từ khu vực tư nhân, khu vực công hoặc các sáng kiến cá nhân và có thể kết hợp giữa các khu vực từ tư nhân cho đến công hoặc kết hợp các cá nhân với nhau để hình thành các ý tưởng.
Các đại biểu, khách mời lắng nghe các bài tham luận tại hội thảo.
Với thế mạnh và kinh nghiệm phát triển cộng đồng trong 20 năm, bà Chế Phong Lan – Founder của 2 doanh nghiệp xã hội - Hành trình đi để lớn và Dao’care chia sẻ: "Thay vì phụ thuộc vào nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, tôi tiếp cận với tư cách là doanh nghiệp xã hội để khai thác đam mê và thực hiện được hai mô hình khởi sự. Hy vọng đây là dòng sản phẩm có ý nghĩa giáo dục phi chính thức để hỗ trợ cho các bậc phụ huynh, những người làm giáo dục có một cách tiếp cận mới về phương thức giáo dục cho trẻ em".
Chia sẻ về ý tưởng của doanh nghiệp xã hội - Hành trình đi để lớn, bà Lan cho biết đó là trăn trở của một người mẹ có con đi học nhưng trải nghiệm thực tế kỹ năng sống của con đâu đó vẫn còn chưa đủ và nghĩ rằng bà có thể làm khác đi. Bà biến những vốn liếng xã hội của mình - là mối quan hệ với các doanh nghiệp xã hội - thành những sản phẩm giáo dục phi chính thức thông qua trải nghiệm cho học sinh. Qua đó, các em nhỏ được học các bài học thật từ người dân, từ những đứa trẻ ở vùng sâu, vùng xa, trải nghiệm thiên nhiên để nuôi dưỡng tâm hồn của mình.
Ông Trần Anh Tuấn đến từ Microsoft trình bày tham luận.
Tại hội thảo, đại diện phía Microsoft, ông Trần Anh Tuấn cũng đã nói về xu thế Digital Transformation và quá trình sáng tạo vì cộng đồng và tác động xã hội của Microsoft. Đặc biệt là những chia sẻ về các chương trình tiêu biểu hỗ trợ cộng đồng tại Việt Nam.
Ông cho biết, phía Microsoft đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ sáng tạo cộng đồng. Tiêu biểu như Microsoft Education là một trang web dành cho các tổ chức nhằm tạo ra một kết nối cộng đồng của toàn cầu. Qua đó, cung cấp nhiều khóa đào tạo công nghệ cho các giáo viên, giảng viên nguồn của tất cả các bậc học, các chuyên gia của Micorosoft. Đồng thời, tổ chức các hội nghị giáo dục cho tất cả các giáo viên trên toàn cầu.
Một chương trình khác mang tên Sinh viên đại sứ công nghệ Microsoft cũng là một chương trình được Microsoft tạo ra để các bạn sinh viên khai thác những nguồn tài nguyên bằng công cụ điện toán đám mây và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, tham gia các cuộc thi sáng tạo.
Tọa đàm bàn tròn.
Để có thể phân tích sâu hơn về những vấn đề đặt ra với khởi nghiệp sáng tạo xã hội, tại hội thảo cũng đã diễn ra phần thảo luận nhằm giải đáp các thắc mắc của đại biểu, doanh nghiệp và các sinh viên về chủ đề sáng tạo cộng đồng.
Nói về số lượng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, PGS-TS Tuấn đánh giá: "Trong 4 năm Việt Nam với khoảng hơn 3000 startup được thành lập nhưng số lượng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khá hạn chế, số lượng gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư, đặc biệt các quỹ đầu tư nước ngoài không nhiều".
Một vài đốm sáng trong bức tranh khởi nghiệp chung của Việt Nam có thể kể đến là ví điện tử MoMo như một cánh tay nối dài mang dịch vụ tài chính thanh toán đến cho mọi người dân Việt Nam, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu vùng xa; hay Got It... có thể giúp người đi làm, học sinh sinh viên, người tiêu dùng các giải pháp tương tác nhanh chóng cơ hội việc làm trên toàn cầu...
"Việc ươm mầm các ý tưởng sáng tạo cho học sinh, sinh viên và cho cộng đồng khởi nghiệp là bước khởi đầu, góp phần thúc đổi mới sáng tạo xã hội phát triển. Với tư cách là trường đào tạo về kinh doanh, vì vậy Trường Đại học Ngoại thương, theo nghĩa hẹp nhất cũng là một vườm ươm tạo ý tưởng kinh doanh", PGS-TS Tuấn khẳng định.