Nằm trên địa bàn huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đang quản lý gần 40.300 ha rừng, thuộc các xã Thần Sa, Thượng Nung, Sảng Mộc, Nghinh Tường, Vũ Chấn, Cúc Đường, Phú Thượng và thị trấn Đình Cả.
Phó trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn Hứa Văn Tiến cho biết,thời gian qua ban đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế khảo sát điều tra về các loài linh trưởng như voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, vượn ..., để có giải pháp bảo tồn.
Hiện nay còn khá nhiều khỉ sinh sống tại các địa bàn thuộc Khu bảo tồn. Anh em đi tuần tra thường xuyên gặp khỉ mặt đỏ, còn gọi là khỉ đuôi cộc, là loài đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và danh sách các loài cần được bảo vệ.
Theo phản ánh của người dân thì khu vực này có khoảng 5 - 7 đàn khỉ khác nhau, mỗi đàn có từ 7 - 10 cá thể, có cả con lớn con nhỏ nên có thểkhẳng định là chúng đang sinh sôi.
Từng là kiểm lâm viên địa bàn, gắn bó với Khu bảo tồn hơn 5 năm qua, anh Cù Quốc Huy, Trạm phó trạm Kiểm lâm Cúc Đường cũng đã trực tiếp gặp đàn khỉ, chúng cao khoảng 50 - 70cm, mỗi con nặng trên dưới 10kg, lông màu vàng nhạt, xám nhạt hoặc đen. Trong lúc đi ăn, chúng thường phát ra tiếng kêu để gọi nhau hoặc khi thấy nguy hiểm.
Do trước đây thường bị săn bắt nhiều và môi trường sống bị thu hẹp nên đàn khỉ rất nhút nhát, thấy bóng người hoặc nghe tiếng động lạ là con đực đầu đàn kêu báo hiệu để cả đàn chạy trốn rất nhanh nên khó chụp ảnh chúng. Tuy vậy, chúng thường xuống bãi ăn ngô, đỗ và các loại rau trồng của dân bản.
Ông Hoàng Văn Thanh, 53 tuổi, dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường khẳng định, đã 2 năm nay “đóng cửa rừng”, không có ai được vào rừng lấy măng, đốn gỗ. Nhờ vậy rất ít xảy ra cháy rừng. Rừng được bảo vệ tốt, không bị chặt phá nên nguồn nước cũng tốt.
Người dân tuy không còn được hưởng chế độ khoán bảo vệ, khoanh nuôi rừng nhưng vẫn coi đó là tài sản của mình, tự giác trông coi, bảo vệ. Nghe nói các dự án trồng cây dược liệu, cây ăn quả cho thu nhập bền vững đang được triển khai tại các xã trong khu bảo tồn, ai cũng phấn khởi.
Kiểm lâm địa bàn phối hợp với các đoàn thể tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng, công tác phòng cháy chữa cháy rừng xuống tận các thôn, bản thông qua sinh hoạt xóm, tổ chức lồng ghép tại các buổi sinh hoạt các đoàn thể, tuyên truyền và thu hồi súng săn, súng tự chế, các loại bẫy săn bắn động vật hoang dã.
Anh Cù Quốc Huy, Trạm phó trạm Kiểm lâm Cúc Đường chia sẻ, những năm trước kiểm lâm vất vả lắm, nhưng vài năm gần đây ý thức của bà con được nâng cao. Hệ sinh thái rừng đang được phục hồi, nhiều loài động, thực vật tưởng biến mất thì nay xuất hiện trở lại. Đặc biệt là các đàn khỉ xuất hiện khá thường xuyên, có lẽ di chuyển từ trong rừng sâu ra.
Ban Quản lý đã xây dựng quy hoạch phát triển rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đến năm 2020 với mục tiêu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững gắn với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn nguồn gene, bảo vệ cảnh quan và môi trường.
Cùng với Vườn Quốc gia Ba Bể của tỉnh Bắc Cạn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng tạo thành liên khu sinh cảnh đá vôi Thần Sa - Bắc Cạn. 30 xóm thôn tại “vùng đệm” sẽ được đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng vốn dự kiến 89 tỷ đồng. Có thu nhập từ rừng, người dân sẽ nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
|