Đó là những thông tin được nêu trong cuộc làm việc của Quỹ Nafosted với ông Geert Bourgeois - Thủ hiến vùng Flanders, Bỉ và đại diện Quỹ Khoa học Flanders nhân chuyến thăm và làm việc của đoàn tại Việt Nam.
GS.TS Phan Tuấn Nghĩa – Thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ Nafosted và ông Geert Bourgeois - Thủ hiến vùng Flanders, Bỉ. Ảnh: Quỳnh Trang/Nafosted
Là một trong những hoạt động hợp tác quốc tế thành công của Quỹ Nafosted, chương trình Nafosted – FWO đã góp phần tạo ra nhiều cơ hội nghiên cứu và mở rộng mạng lưới liên kết cho các nhà khoa học Việt Nam thông qua việc cùng các nhà khoa học Bỉ thực hiện các đề tài nghiên cứu chung. Thông thường, các nhà khoa học Việt Nam và Bỉ sẽ cùng lên kế hoạch, nộp đề xuất nghiên cứu lên hai Quỹ. Đình kỳ 2 năm một lần, hai Quỹ sẽ lập một hội đồng chuyên môn hỗn hợp gồm các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm của hai quốc gia, qua đó thảo luận và lựa chọn ra những đề xuất đủ tiêu chuẩn để tài trợ. Do số lượng các hồ sơ đề xuất gửi tới trong các đợt nhận hồ sơ của chương trình khá lớn nên hai Quỹ có thể lựa chọn được nhiều ứng cử viên tốt trong thế tương đối “cạnh tranh”. “Ví dụ ban đầu chúng tôi dự kiến có khoảng 4 đề tài mỗi năm được tài trợ nhưng sau thấy chất lượng các hồ sơ đề xuất đều rất tốt nên thảo luận với Quỹ FWO để số đề tài được hỗ trợ lên 6”, Phó giám đốc Quỹ Nafosted Phạm Đình Nguyên trao đổi bên lề buổi làm việc.
Theo điều khoản đã ký kết, mỗi bên sẽ dành một khoản kinh phí hằng năm vào khoảng 300.000 euro để tài trợ cho các đề tài hợp tác được hội đồng chuyên môn phê duyệt. Mỗi đề tài hợp tác này sẽ có thời gian thực hiện từ hai đến ba năm, sau đó sẽ được nghiệm thu trên cơ sở đánh giá các sản phẩm đăng ký trong hồ sơ đề xuất. Kể từ năm 2009 đến nay, hai bên đã đồng tài trợ cho 33 đề tài nghiên cứu, trong đó có 14 đề tài đã được nghiệm thu với sản phẩm là 40 công bố quốc tế, đào tạo được khoảng 40 tiến sỹ và thạc sỹ.
Các đề tài được hai quỹ tài trợ trải rộng ở nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên nhưng đều là nghiên cứu cơ bản. Quỹ Nafosted cho biết, chủ trương của hai Quỹ là không giới hạn ở phạm vi nghiên cứu cơ bản mà vẫn khuyến khích các nhà khoa học gửi đề xuất là các nghiên cứu có định hướng ứng dụng hoặc là nghiên cứu ứng dụng.