Trung tâm đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo hơn 8.000 kĩ sư thiết kế vi mạch có chứng chỉ quốc tế và đào tạo ít nhất 12.000 kĩ sư, công nhân bậc cao có chứng chỉ quốc tế thông qua các khóa ngắn hạn.
Việt Nam được xem là quốc gia có triển vọng trở thành một trung tâm bán dẫn mới của thế giới khi sở hữu nguồn đội ngũ nhân lực trẻ có năng lực về khoa học và toán học; các công ty công nghệ trong nước ngày càng lớn mạnh; các Tập đoàn lớn quốc tế dịch chuyển sản xuất về Việt Nam, dần đào tạo nguồn nhân lực ở những khâu giá trị cao và nắm bắt công nghệ mới; Chính phủ có quyết sách phát triển ngành.
Song sau hơn 20 năm phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, Việt Nam hiện có khoảng
5.000 kĩ sư ở tất cả các khâu trong mảng thiết kế chip. Trong khi đó, tại hội nghị "Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn" do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 24/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 hướng đến đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Trong bối cảnh đó, Phenikaa cho biết chính thức tham gia lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam bằng việc (1) Thành lập Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn, hướng tới việc đào tạo nhân lực chất lượng cao (upskill); (2) Ra mắt công ty spin-off hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch; (3) Trường Đại học Phenikaa đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo đại học chính quy từ năm 2024-2025.
Trong đó, Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn sẽ là nơi thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ, hợp tác, liên kết, huy động nguồn lực... Mục tiêu là đến năm 2030 đào tạo được hơn 8.000 kĩ sư thiết kế vi mạch có chứng chỉ quốc tế và đào tạo ít nhất 12.000 kĩ sư, công nhân bậc cao có chứng chỉ quốc tế làm việc trong các nhà máy ATP (thiết kế, sản xuất và lắp ráp – thử nghiệm – đóng gói chip) ở các lĩnh vực thiết kế chip số, chip tương tự, sản xuất chip, đóng gói và kiểm thử.
Được biết, trung tâm hướng đến tuyển học viên theo ba hướng. Thứ nhất, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp đang mong muốn nâng cao trình độ của nhân viên. Thứ hai, các học viên tốt nghiệp chương trình đại học liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn mong muốn nâng cao năng lực. Thứ ba, các học viên tốt nghiệp chương trình đại học liên quan đến những ngành như khoa học máy tính, tự động hoá có mong muốn chuyển sang làm việc trong ngành vi mạch bán dẫn.
Hiện tại, cơ sở vật chất của trung tâm đã sẵn sàng đưa vào sử dụng. Trung tâm dự kiến triển khai khoá đào tạo đầu tiên cho đối tượng giảng viên trong tháng Năm hoặc tháng Sáu.
Học viên sẽ được thực hành trên các hệ thống ảo hóa tiên tiến của thế giới (HAPS, ZeBu 4, ZeBu 5) - những công nghệ tạo nên sự khác biệt trong quá trình thiết kế chip, giúp đẩy nhanh tốc độ thiết kế và verify các dòng chip có độ phức tạp cao. Khóa học đa dạng với thời gian từ 3 tháng - 12 tháng, chương trình học được cấp chứng nhận bởi các tập đoàn công nghệ Chip tiên tiến trên thế giới như Synopsys, và có học viên có thể làm việc ngay nếu đạt tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của trung tâm.
“Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn hiện là trung tâm có cơ sở vật chất lớn, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, với các hệ thống ảo hóa chip ZeBu 4, ZeBu 5, HAPS, server kèm theo và các phần mềm thiết kế chip tiên tiến nhất”, ông Robert Li, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh khu vực Đài Loan và Đông Nam Á – Synopsys, đánh giá.
Giải thích về hướng đi mới của Phenikaa, ông Lê Anh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phenikaa - cho biết, trong công nghệ, phần mềm và phần cứng luôn gắn liền cùng với nhau trong mọi thiết bị để tạo ra một giải pháp hoàn chỉnh. Vì vậy, việc có thêm phần thiết kế vi mạch giúp hoàn thiện Hệ sinh thái Phenikaa vững mạnh hơn. Thêm vào đó, ngoài việc liên quan đến thiết kế như mô phỏng (simulation), giả lập (emulation), Phenikaa còn liên kết với các công ty hàng đầu thế giới về vi mạch để thực hiện việc sản xuất thử (tape-out). Chương trình đào tạo sẽ được các công ty vi mạch cũng như các trường đại học đào tạo về vi mạch hàng đầu thế giới hỗ trợ đồng hành để những học viên có đủ năng lực và có thể được tuyển dụng đi làm trong hoặc sau khi hoàn thành khoá đào tạo.
Bên cạnh đó, việc thành lập công ty spin-off hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn cho thấy “Phenikaa không chỉ dừng lại ở việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - đáp ứng nhu cầu của xã hội/doanh nghiệp”, mà còn khẳng định năng lực của Tập đoàn “trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng KH&CN, tạo ra những sản phẩm thực sự và có thể áp dụng vào đời sống”, ông Sơn chia sẻ thêm.