Mục tiêu của Chương trình nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đây là giai đoạn tiếp theo của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020. Những kết quả đạt được trong giai đoạn trước - gồm sự gia tăng số lượng bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, những nghiên cứu được thương mại hóa thành công,... - là cơ sở quan trọng để triển khai giai đoạn tiếp theo của Chương trình.
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể,... ở nhiều địa phương. Ảnh: Sản phẩm dứa Cầu Đúc (Hậu Giang) mới được cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào tháng 12/2020. Nguồn: MekongDeltaExplorer
Chương trình đặt ra các mục tiêu cụ thể như đến năm 2030, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16-18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8-10%/năm; tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh và sản phẩm gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.
Để đạt được các mục tiêu này, Chương trình đề xuất 6 nhóm nội dung lớn với nhiều hoạt động cụ thể gắn liền với quá trình hình thành, bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đó là:
1. Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu, các công cụ cung cấp dịch vụ thông tin sở hữu trí tuệ, bản đồ sáng chế;
- Hỗ trợ hình thành và phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ phân tích thông tin sáng chế và dự báo xu hướng phát triển công nghệ.
2. Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước:
- Đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu;
- Đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới;
- Đăng ký bảo hộ trong nước và quốc tế đối với biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia.
3. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ:
- Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm thuộc chương trình OCOP gắn với đăng ký mã số vùng trồng, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ;
- Khai thác sáng chế, giải pháp hữu ích của Việt Nam được bảo hộ, sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ hoặc hết thời hạn bảo hộ tại Việt Nam.
4. Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
- Hỗ trợ triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ;
- Tổ chức trưng bày, giới thiệu, triển lãm sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cùng với các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
5. Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ:
- Nâng cao năng lực của tổ chức trung gian tham gia hoạt động kiểm soát, quản lý các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
- Phát triển dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tư vấn về quản trị, phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học.
6. Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ
- Xây dựng và vận hành phần mềm, chương trình ứng dụng trên thiết bị điện tử, thiết bị di động để cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn về sở hữu trí tuệ.
Theo quyết định, Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì, điều hành, quản lý và tổ chức triển khai hoạt động chung, thường xuyên của chương trình. Cơ quan thường trực là Cục Sở hữu trí tuệ (BộKH&CN) là đầu mối triển khai chương trình.