Các nhà khảo cổ phát hiện hóa thạch của một loài rùa hiếm, sống cách đây hơn 228 triệu năm trong kỷ triat và không có mai – đặc điểm phổ biến nhất của rùa ngày nay.
Bộ xương gần như hoàn chỉnh này được tìm thấy tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.
Con vật có một cái mỏ không răng và hình dạng cơ thể giống rùa hiện đại, nhưng không có dấu hiệu phát triển xương để hình thành phần mai cứng bên ngoài. Rùa hiện đại sử dụng mai để bảo vệ các bộ phận quan trọng trong cơ thể, bao gồm cả đầu trong trường hợp trốn tránh kẻ thù. «Sinh vật kỳ lạ này dài 1,8m, có thân hình kỳ lạ như chiếc đĩa dẹt, đuôi dài, phần trước của hàm phát triển thành một chiếc mỏ. Có lẽ chúng thường sống ở vùng nước nông, đào bùn kiếm ăn”, Olivier Rieppel, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Do chưa từng được mô tả trong các sách khoa học nên các nhà nghiên cứu đặt cho loài rùa cổ đại một cái tên mới là Eorhynchochelys sinensis.
Lê Hùng (Theo Ibtimes)