Trong cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam ngày 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng Việt Nam cần hoàn thành tuyến đường sắt trong vòng 10 năm tới, phấn đấu xong trong năm 2035.
Tuyến đường sắt dài 1.541 km sẽ phục vụ 20 tỉnh, thành phố và giải quyết nhu cầu cải thiện giao thông và hậu cần quốc gia. Tốc độ thiết kế của tuyến đường sắt đã được thống nhất vào năm ngoái là 350km/h.
Nó sẽ bổ sung cho các tuyến vận tải Bắc-Nam hiện có (bao gồm Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, và đường bộ cao tốc Bắc-Nam đang được xây dựng), và tập trung vào vận tải hành khách, đồng thời hỗ trợ vận chuyển hàng hóa nhanh và nhu cầu quốc phòng, an ninh.
Các tuyến đường sắt tốc độ thấp hơn hiện có cũng sẽ được nâng cấp để vận chuyển hàng hóa.
Theo báo cáo Logistics Việt Nam 2023, gánh nặng chi phí Logistics của các doanh nghiệp Việt Nam khá cao, chiếm khoảng
16-18% tổng chi phí sản xuất kinh doanh, so với mức trung bình của thế giới là khoảng 10%. Thực tế này làm cho giá thành hàng hóa của Việt Nam trở nên đắt đỏ, giảm sức cạnh tranh ngay cả trong thị trường nội địa.
Thông thường, tới 60% chi phí logistic nằm ở khâu vận chuyển, còn lại là chi phí kho bãi và quản lý. Vì vậy, Chính phủ đã đưa ra các phương án phát triển logistics toàn diện, trong đó có phương án đường sắt tốc độ cao để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa.
Trong
cuộc họp ngày 11/7, Thủ tướng yêu cầu tuyến đường sắt cao tốc cần phát triển theo hướng "ngắn [nhanh] nhất, hiệu quả nhất có thể", với nguyên tắc “qua sông thì bắc cầu, qua núi thì khoét núi, qua đồng ruộng thì đổ đất đổ cát”.
Thủ tướng cũng lưu ý tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam cần một kế hoạch quản lý hiện đại, số hóa (gồm cả quản lý kinh doanh vận tải và quản lý kết cấu hạ tầng); đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp đường sắt phù hợp.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục giám sát dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, trong khi Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tinh chỉnh chi tiết, kết hợp phản hồi và chuẩn bị cho các tờ trình tiếp theo để phê duyệt Đề án về chủ trương đầu tư dự án này.
Sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền thông qua, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam và trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong nhiệm kỳ XV này.
Mục tiêu của Việt Nam là phê duyệt đầu tư trong năm 2025 và khởi công xây dựng vào năm 2026-2027. Các đoạn đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang sẽ được ưu tiên thực hiện trước.
Nguồn vốn cho dự án vẫn đang trong quá trình xây dựng kế hoạch nhưng theo Thủ tướng Chính phủ, có thể xem xét huy động theo nhiều phương thức khác nhau để đảm bảo đa dạng hóa nguồn vốn, bao gồm vốn trung ương, vốn địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu, vốn doanh nghiệp v.v