Ông Jensen Huang, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Nvidia, mong muốn thiết lập một cơ sở tại Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn vì coi Việt Nam là một thị trường quan trọng.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều Chủ nhật, 10/12, ông Jensen tiết lộ kế hoạch thành lập một cơ sở tại Việt Nam. Thông cáo của Chính phủ sau cuộc gặp trích lời ông, cho biết cơ sở này “sẽ nhằm thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới để đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái bán dẫn và số hóa của Việt Nam”.
Theo tuyên bố, “Nvidia xác định Việt Nam là thị trường quan trọng nên đã đầu tư 250 triệu USD vào đây”. Công ty đang thảo luận về các cách hợp tác trong ngành bán dẫn với các công ty công nghệ và chính quyền Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết rất coi trọng chuyến thăm của ông Jensen Huang, vì nó góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ. Thủ tướng nói sẽ lập tổ công tác thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên do ông làm tổ trưởng.
Ông cũng đề nghị Nvidia xác định tầm nhìn chiến lược lâu dài trong hợp tác và hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược bán dẫn quốc gia, phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở cả ba công đoạn thiết kế, xây dựng nhà máy sản xuất chip, đóng gói và kiểm thử.
Nhìn chung, Việt Nam cũng kỳ vọng Nvidia tập trung hợp tác đầu tư hạ tầng, xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm R&D, trung tâm thiết kế, phát triển sản phẩm chip bán dẫn và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm dữ liệu lớn, tính toán hiệu năng cao và các chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn.
Trong khi đó, các nhà quan sát ngành công nghiệp quốc tế đánh giá động thái của Nvidia có thể là một nỗ lực của công ty nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào các đối tác truyền thống của mình. Nvidia đã chuyển việc lắp ráp phần cứng trí tuệ nhân tạo (AI) và tính toán hiệu năng cao (HPC) ra khỏi Trung Quốc, nhưng chip của họ vẫn được sản xuất và lắp ráp tại Đài Loan. Do vậy, một số người đặt câu hỏi liệu những card đồ họa tốt nhất trong tương lai có thể được sản xuất tại Việt Nam và đang theo dõi kỹ bước chân của Nvidia ở nước này.
Việt Nam không có gì nổi bật trong lĩnh vực sản xuất chip, nhưng cái tên đầu tiên được nghĩ đến khi nhắc đến Việt Nam trong ngành bán dẫn là tập đoàn Intel, công ty có cơ sở lắp ráp và thử nghiệm lớn của TPHCM. Cơ sở được đầu tư 1,5 tỷ USD này đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Intel.
Ngoài lắp ráp, Việt Nam đang cố gắng mở rộng sang thiết kế chip và có thể là sản xuất chip, khi cơ hội đến.
Theo một tài liệu được Nhà Trắng công bố vào tháng 9, Nvidia có thể sẽ hợp tác với FPT, Viettel và Vingroup để triển khai AI trong các ngành công nghiệp đám mây, ô tô và chăm sóc sức khỏe. Điều này có thể sẽ được thảo luận trong cuộc họp vào sáng thứ Hai, 11/12.
Thành lập năm 1993, Nvidia là một công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ, chuyên về phần mềm và thiết kế các sản phẩm chip và phần cứng - bao gồm các bộ xử lý đồ họa (GPU), giao diện lập trình ứng dụng (API) cho khoa học dữ liệu và tính toán hiệu suất cao, cũng như các hệ thống trên chip (SoC) cho thị trường điện toán di động và ô tô.
Nvidia là nhà cung cấp phần cứng và phần mềm trí tuệ nhân tạo chiếm ưu thế trên thế giới (80% thị phần). Năm ngoái, ChatGPT bất ngờ tạo nên cơn sốt trên toàn cầu khiến chip AI của Nvidia được săn lùng, kéo theo giá trị vốn hóa thị trường của Nvidia trên sàn chứng khoán tăng đột biến, từ 400 tỷ USD vào tháng một cán mốc lên 1.000 tỷ USD vào cuối tháng 5.
ChatGPT chạy trên một siêu máy tính khổng lồ sử dụng 10.000 GPU của Nvidia. Nếu các truy vấn ChatGPT tăng lên 10% quy mô tìm kiếm của Google, nó sẽ đòi hỏi GPU trị giá khoảng 48,1 tỷ USD ban đầu và khoảng 16 tỷ USD chip mỗi năm để duy trì hoạt động. Đây là một chi phí tốn kém. OpenAI đang tìm kiếm các nhà cung cấp chip AI thay thế Nvidia, nhưng điều này sẽ không thể thực hiện ngay được trong vài năm.
Các đối thủ cạnh tranh hiện nay của Nvidia bao gồm AMD, Intel, Qualcomm và các công ty tăng tốc AI như Cerebras và Graphcore.
|
Nguồn: