Nhưng với các nghề thuộc nhóm "chuyên môn kỹ thuật bậc cao”, “chuyên môn kỹ thuật bậc trung”, lao động nữ lại chiếm tỷ lệ cao hơn lao động nam.

d
Mức chênh lệch tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giữa nam giới và nữ giới tăng dần từ Bắc vào Nam. Ảnh: Vneconomy

Đó là những thông tin được đề cập đến trong Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện.

Lực lượng lao động - gồm những người đang làm việc và thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên - của cả nước năm 2021 là 50,6 triệu người, giảm so với năm 2020 792 nghìn người. Trong đó có gần 1,5 triệu người thất nghiệp.

Đáng chú ý, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao nhất là ở vùng Tây Nguyên (81,2%) và thấp nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc (63,1%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới thấp hơn nam giới ở cả 6 vùng kinh tế - xã hội và 2 thành phố lớn nhất nước và mức chênh lệch này tăng dần từ Bắc vào Nam.

Các con số cũng cho thấy tỷ trọng lực lượng lao động đã qua đào tạo ở nước ta vẫn còn thấp - chỉ có khoảng 13,2 triệu trong tổng số 50,6 triệu người, đã được đào tạo. Trong 6 vùng kinh tế - xã hội, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng và thấp nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo cũng tiết lộ một số thông tin về thu nhập của lực lượng lao động. So sánh thu nhập từ việc làm bình quân/tháng theo giới cho thấy, thu nhập của nam giới cao hơn nữ giới ở tất cả các nhóm chuyên môn kỹ thuật. Xét theo ngành kinh tế, ngành Nông, lâm, thuỷ sản có thu nhập từ việc làm bình quân/tháng thấp nhất - khoảng 4,7 triệu đồng, và cao nhất là ngành Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế, khoảng 12,5 triệu đồng.

Năm 2021, “lao động giản đơn” chiếm 25,7% trong cơ cấu lao động. Các nghề “dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng”, “chuyên môn kỹ thuật bậc cao”, “chuyên môn kỹ thuật bậc trung” và “lao động giản đơn” sử dụng lao động nữ nhiều hơn nam; nhưng với các nghề thuộc nhóm "nhà lãnh đạo", nữ giới chỉ chiếm 24,9%.

Tác động nặng nề của đại dịch

Các làn sóng dịch COVID-19 ập đến và các biện pháp giãn cách xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, ảnh hưởng rõ rệt nhất vào quý 3 khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện và đặc biệt là việc áp dụng các quy định về giãn cách xã hội được thực hiện triệt để. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động có xu hướng thấp nhất ở quý 3 khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ.

Lao động thiếu việc làm được tính cho những người có việc đã có tổng số giờ làm cho tất cả các công việc dưới 35 giờ/tuần, mong muốn và sẵn sàng làm thêm giờ. Thông thường, vào các năm trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, tỷ trọng lao động thiếu việc làm thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản thường chiếm tỷ trọng cao nhất, thậm chí năm 2019 con số này là 63,1%. Năm 2021, các biện pháp giãn cách, phong toả đã khiến ngành dịch vụ lao đao. Ngành dịch vụ đã “soán ngôi" khu vực nông, lâm nghiệp và ngư nghiệp, trở thành ngành có tỷ trọng lao động thiếu việc làm cao nhất với 36,1%; trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 35,1%.

Nhìn chung, trong năm 2021, cứ 1.000 lao động đang làm việc trong độ tuổi thì có tới 31 người thiếu việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thấp hơn khu vực thành thị - tình trạng này trái ngược với xu hướng thị trường lao động trong những năm trước đại dịch, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn khu vực thành thị. Như vậy, đại dịch COVID-19 đã gây nhiều xáo trộn cho thị trường lao động khu vực thành thị. Lao động khu vực này cho đến hiện tại vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn để có được việc làm ổn định và đầy đủ trở lại.