Mới đây, 36 tổ chức tôn giáo từ 11 quốc gia tuyên bố thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Đây là các tổ chức ở Brazil, Argentina, Ấn Độ, Philippines, Uganda, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Ireland, Anh và Hoa Kỳ.

Trong số này có Giáo hội Anh giáo xứ Wales (the Church in Wales), với khối tài sản hơn 700 triệu bảng Anh, đã đồng ý thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch tại cuộc họp của Hội đồng quản trị của Giáo hội vào tháng Tư.

Các cộng đồng tôn giáo - gồm Anh giáo, Công giáo, Giám lý, Trưởng lão và Baptist, và một số tổ chức khác - từ lâu đã đi đầu trong phong trào thoái vốn toàn cầu, với mức cam kết lớn nhất. Trong tổng số hơn 1.300 cam kết thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu được thực hiện cho đến nay, hơn 450 là từ các tổ chức tín ngưỡng.

Một Giám mục Anh giáo ở Bắc Mozambique, cho biết: “Đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch làm trầm trọng hơn tình trạng biến đổi khí hậu và tác động đến những người dễ bị tổn thương nhất, đồng thời gây bất ổn cho cộng đồng. Chúng tôi đã chứng kiến ​​hơn 700.000 người ở Bắc Mozambique đã phải rời bỏ nhà cửa như thế nào - nhiều người phải chạy trốn vì nỗi kinh hoàng do quân nổi dậy reo rắc. Hàng chục người đã bị chặt đầu, thậm chí có cả trẻ em mới 12 tuổi. Bạo lực này chỉ xảy ra ở những khu vực có hoạt động dò tìm khí gas. Người dân địa phương không được hỏi ý kiến ​​và cũng không được hưởng lợi, chỉ có thể chịu hậu quả của giá cả tăng cao, ô nhiễm và mất đất." Và ông kêu gọi cộng đồng quốc tế "hãy rút tiền ra khỏi nhiên liệu hóa thạch và đầu tư vào năng lượng tái tạo, mang lại lợi ích cho người dân địa phương và không góp phần vào biến đổi khí hậu ”.

Trong khi chính phủ các nước trên khắp thế giới tiếp tục đầu tư đáng kể vào các gói phục hồi kinh tế, Liên Hợp Quốc cho biết, nhiều chính phủ vẫn hỗ trợ tài chính đáng kể cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch trong các gói phục hồi Covid-19 của họ. Theo Liên Hợp Quốc, chỉ có 18% số tiền được dự kiến chi cho các kế hoạch phục hồi sau Covid-19 mà 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới công bố vào năm 2020 được coi là xanh.

Nguồn:

Media Climate Net