Bài giảng đại chúng của Giáo sư Duncan Haldane sẽ nói về thành tựu nghiên cứu đã đem đến cho ông giải Nobel Vật lý vào năm 2016 và về cuộc cách mạng lượng tử lần thứ hai đang đến gần.

Nguồn: lindau-nobel.org
Giáo sư Haldanetrong một buổi giảng bài.Nguồn: lindau-nobel.org

Giáo sư Haldane sinh năm 1951 ở London, Anh. Ông nhận bằng tiến sĩ tại ĐH Cambridge và bắt đầu làm việc tại trường ĐH Princeton từ năm 1990. Ông nhận giải Nobel Vật lý năm 2016 cùng hai nhà khoa học khác - David Thouless (ĐH Washington) và J.Michael Kosterlitz (ĐH Brown) - cho "những phát hiện lý thuyết về những biến đổi trạng thái tô-pô và các trạng thái tô-pô học của vật chất".

Bằng cách sử dụng các khái niệm hình học tô-pô, một nhánh của toán học, bộ ba nhà khoa học đã nghiên cứu các trạng thái khác thường của vật chất, chẳng hạn như các chất siêu dẫn, siêu lỏng hoặc màng mỏng từ tính. “Nhờ công trình tiên phong của họ, giờ đây người ta sẽ đi tìm các trạng thái mới và khác thường của vật chất. Nhiều người hy vọng về ứng dụng trong tương lai ở cả ngành khoa học vật liệu và điện tử học" - theo tuyên bố của Viện Khoa học hoàng gia Thụy Điển.

Bài giảng đại chúng của Giáo sư Haldane chính là về thành tựu nghiên cứu này và những tiến bộ mới trong khoa học lượng tử, như tiêu đề bài giảng cho biết - “Topological Quantum Matter, Entanglement, and the Second Quantum Revolution” (tạm dịch: Vật chất, Rối lượng tử tô-pô, và Cách mạng Lượng tử lần thứ hai).

Năm 1900, Max Planck đã có khám phá lượng tử làm đảo lộn nhận thức của con người về vũ trụ vi mô, và tác động không ngừng vào sự thay đổi bộ mặt của xã hội. Một phần rất lớn những tiến bộ công nghiệp và khoa học mà ngày nay thế giới thụ hưởng, như bóng bán dẫn và laser, có nguồn gốc từ thuyết lượng tử, và những ứng dụng của nó trong thế kỷ 21 được chờ đợi càng mạnh mẽ. Gần đây, các nhà khoa học bắt đầu nói nhiều về cuộc cách mạng lượng tử lần thứ hai với sự xuất hiện của đồng hồ lượng tử, cảm biến lượng tử, và sắp tới là Internet lượng tử và máy tính lượng tử.

Sự kiện được đồng tổ chức bởi USTH, Trung tâm Quốc tế về Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE), Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Viện Vật lý Kỹ thuật (ĐH Bách Khoa Hà Nội), Khoa Vật lý (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), Khoa Vật lý (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Ngoài ra, sự kiện cũng được phát trực tiếp tới cộng đồng pháp ngữ thông qua nền tảng zoom với sự hỗ trợ của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF).

Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm hưởng ứng Nghị quyết của Liên hợp quốc “Kỷ niệm năm 2022 là năm quốc tế Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững”.


Thông tin chi tiết:

● Thời gian: 15:00 - 17:30, ngày 19/07/2022
● Địa điểm: Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), tòa nhà A21, số 18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội
● Hình thức: TRỰC TIẾP tại USTH kết hợp TRỰC TUYẾN qua nền tảng Zoom
● Ngôn ngữ giảng bài: Tiếng Anh (đồng thời được dịch song song ra tiếng Việt và tiếng
Pháp)
● Hạn đăng ký: 12/07/2022


Nguồn tham khảo:

+ Thông cáo báo chí