Hai ngày giữa tháng 4, 30 thành viên của CLB khởi nghiệp Bến Tre với sự kết nối của chương trình khởi nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã đến giao lưu với các mô hình khởi nghiệp của Tỉnh Đồng Tháp.

Điểm đến đầu tiên của đoàn là TP. Sa Đéc với doanh nghiệp sản xuất khô trâu Quang Hiển. Nhìn cơ ngơi hoạt động, mới hiểu vì sao chàng trai trẻ này liên tục ra được nhiều dòng sản phẩm mới như da cá ướp trứng vịt muối chiên giòn, khô trâu mềm... Với các trang thiết bị sấy, đóng gói sản phẩm, bao bì đẹp hơn, có chú trọng đến sử dụng các nguyên liệu mới tăng thêm sự ổn định trong bảo quản sản phẩm. Điểm vui là trong điểm giao lưu đầu tiên này, ông chủ trẻ Trương Lê Hoàng Huy đã bắt tay với ông chủ công ty du lịch truyền thông C2T Võ Văn Phong để đưa sản phẩm vào các cửa hàng của C2T. Được tiến sĩ Phan Văn Minh, cố vấn chương trình SKC, hướng dẫn thêm những điều cần lưu ý trong hương vị, mùi của thành phẩm phải giống nhau và đang suy nghĩ cách giúp nâng cao chất lượng sản phẩm ổn định hơn để có thể bảo trợ sản phẩm này vào tham gia hội chợ quốc tế trong thời gian tới.


Điểm đến thứ hai là Cơ sở Chế biến sản xuất men cám gạo vi sinh của Võ Nguyễn Công Sơn. Dự án này từng đoạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp với tài nguyên bản địa do Trung tâm BSA tổ chức năm 2016, đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng dự án khởi nghiệp do VCCI tổ chức 2017. Trên đường đi, Sơn chỉ vào đường dây điện dẫn vào nhà và thuyết minh đây là sản phẩm từ giải thưởng 10 triệu của ông Nguyễn Lâm Viên Vinamit cho dự án bảo vệ môi trường. Chỉ vào 2 máy bơm nước của công ty Cơ điện Tân hoàn cầu tặng khi vào vòng thi Chung kết và cũng là quà tặng của giải nhì 3 năm nay, vẫn chạy tốt. Nghe Sơn kể chuyện làm sản phẩm, chuyện đi Techfest 2017, được kết nối với nhiều chuyên gia nên việc phát triển sản phẩm đang tiến triển tốt thật là phục ý chí và đam mê của cậu bạn này…

Điểm dừng chân buổi trưa tại Hội quán giúp nhau làm du lịch ở xã Tân Quy Đông, nghe anh Hùng, chủ nhiệm Hội quán kiêm giám đôc nhà hàng Hoa Ếch kể chuyện bước đầu làm du lịch cộng đồng, chuyện liên kết các điểm trồng hoa gần nhau lại để phát triển mô hình du lịch trải nghiệm mới thấy được tấm lòng của mọi người đến việc phát huy giá trị tài nguyên bản địa.
Một điểm đến đặc biệt không có trong kế hoạch sau khi nhắn tin qua lại với anh Phạm Minh Thiện, công ty Cỏ May là đi thăm vườn hồng Bách hoa của doanh nghiệp này. Nơi đây có 90 loại giống hoa hồng khác nhau, có giống hoa mới như hồng xanh, hoa hồng đổi màu, hoa hồng nốc ao cũng như các giống hoa truyền thống như, giống hồng cổ Sa Đéc, Thanh Hóa, Hồng đào cổ... Đi thăm và giao lưu với doanh nghiệp An An nuôi Đông trùng hạ thảo rồi đặc biệt là buổi tối giao lưu của gần 50 mô hình khởi nghiệp giữa 2 CLB khởi nghiệp Bến Tre Đồng Tháp.

Những chia sẻ của các chuyên gia đi theo đoàn như thầy Phan Văn Minh các bạn khởi nghiệp nếu muốn phát triển phải chú ý đến yếu tố công nghệ nhiều hơn, Anh Phạm Đức Thiện chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng và chị Nguyễn Thị Xuân Yến – giám đốc Chương trình tăng tốc khởi nghiệp bản địa (BSA) nói về chuyện đưa sản phẩm ra thị trường và chương trình hỗ trợ các bạn khởi nghiệp phát triển bền vững. Nhiều bạn trẻ cũng trao đổi những câu chuyện khởi nghiệp của mình và đều mong muốn hai CLB gắn kết chia sẻ các hoạt động kinh doanh tiêu thụ sản phẩm với nhau.

Tóm lại một ngày đi nhiều nơi, học được nhiều điều và mừng vì thấy các dự án khởi nghiệp sau các cuộc thi vẫn đang hoạt động tốt, và các kết nối đầu tiên được mở ra hào hứng để cùng nhau đi lên.