Phần lớn nguồn giống hoa hiện nay ở Việt Nam đều phải nhập khẩu, tiêu tốn một khoản kinh phí không nhỏ và hạn chế khả năng xuất khẩu của ngành sản xuất hoa ở Việt Nam.
Vấn đề này đã được phản ánh trong hội nghị “Giới thiệu một số tiến bộ kỹ thuật về hoa, cây cảnh” của Viện nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) tổ chức ngày 21/12.
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển hoa và cây cảnh. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của ngành trồng hoa là chưa tự chủ về nguồn giống. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT năm 2017, 80-95% nguồn giống cây trồng ở Việt Nam, trong đó có hoa, phải nhập khẩu, do việc đầu tư kinh phí sản xuất các loại giống này rất lớn và phải có công nghệ cao. Chỉ tính riêng năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 7.000 tấn giống cỏ, ngô, rau, hoa và dưa hấu... chủ yếu là giống của Trung Quốc.
“Chỉ tính riêng 3 tháng cuối năm 2017, làng hoa Xuân Quan đã phải bỏ ra 700 tỷ đồng để nhập khẩu nguồn giống hoa từ Trung Quốc”, ông Phan Ngọc Oanh, một hộ nông dân tiêu biểu ở hợp tác xã hoa Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: “Chúng tôi thấy vô cùng xót ruột, tại sao Trung Quốc làm được mà mình lại không thể làm được?”
Làng hoa Xuân Quan. Nguồn: Tiền phong
Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn giống còn khiến các loại hoa ở Việt Nam gặp khó khăn trong xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) cho biết: “Nhiều loại hoa ở Đà Lạt rất đẹp, chất lượng tốt nhưng không thể xuất khẩu bởi không có bản quyền”.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu hoa từng bị trả lại hàng hoặc buộc phải tiêu hủy do dùng giống hoa sao chép hoặc không có bản quyền.
“Hầu hết các giống hoa phổ biến trên thị trường hiện nay đều do các nước khác nắm giữ bản quyền”, GS. TS. Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội cho biết. Việc mua bản quyền giống hoa sẽ rất tốn kém, hơn nữa các giống hoa hiện nay có xu hướng thay đổi nhanh chóng theo nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Bởi vậy, giải pháp cho ngành trồng hoa của Việt Nam là “tập trung vào nghiên cứu những loại giống mới, đồng thời phát triển những nguồn giống hoa đặc thù ở Việt Nam”, GS Quý nhận định. “Việt Nam có rất nhiều nguồn gene các giống hoa quý hiếm, đặc biệt là các giống lan cổ”.
GS Quý nói thêm, “Hội Hoa lan Hà Nội hiện đang sở hữu rất nhiều giống hoa lan quý hiếm, có gốc trị giá hàng tỷ đồng. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các viện, trường để nghiên cứu và phát triển các nguồn gene này”.