Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được phê duyệt, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được những mục tiêu đề ra.
Chiến lược nêu rõ, tăng nguồn vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 5% tổng đầu tư cho nông nghiệp; ưu tiên đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; đầu tư một số viện, trường nghiên cứu cơ bản trở thành các đơn vị ngang tầm các nước trong vùng; có cơ chế, chính sách phù hợp để xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN trong nông nghiệp…
Để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, Chiến lược cũng nhấn mạnh đến việc đổi mới hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập theo hướng tự chủ; đẩy mạnh cơ chế đặt hàng và đấu thầu nhiệm vụ KH&CN; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và nông dân tham gia đổi mới sáng tạo; cải thiện cơ chế quản lý kinh phí nhà nước cấp cho nghiên cứu, bao gồm cơ chế khoán sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN, trọng dụng nhân lực nghiên cứu, tránh tình trạng chảy máu chất xám trong các đơn vị công lập...
Hướng đến mục tiêu nâng cao trình độ KH&CN trong nông nghiệp, Chiến lược này cũng đề cập đến việc phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, hình thành cơ chế tư vấn, đối thoại chính sách thường xuyên, chính thức giữa đội ngũ chuyên gia, đại diện nông dân và doanh nghiệp với cơ quan quản lý ngành.
Trong Chiến lược, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai hiệu quả các Chương trình: Sản phẩm quốc gia, đổi mới công nghệ quốc gia và các chương trình KH&CN khác hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng cơ chế thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực phát triển KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn...
Anh Vũ