Được mệnh danh là “Etsy" của châu Á, Idus là một trong những ứng dụng mua sắm phổ biến nhất ở Hàn Quốc. Ứng dụng này đã góp phần quảng bá tên tuổi cho rất nhiều nghệ nhân, thợ làm bánh tại nhà, đầu bếp, nhà sản xuất nến xà phòng, hoạ sĩ.

h
Nền tảng idus đã mở ra cơ hội việc làm cho nhiều nghệ sĩ, thợ thủ công có tay nghề cao tại Hàn Quốc.

Khoảng 10 năm trước, ông Donghwan Kim đã giúp đỡ anh họ - một thợ gốm - tìm kiếm các kênh bán hàng như chợ trời để chào bán sản phẩm gốm của mình. Nhưng họ đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một nền tảng phù hợp, vì vậy sau khoảng một năm, ông Kim quyết định tự mình tạo ra một công ty bán hàng thủ công mỹ nghệ ở Hàn Quốc có tên là Backpackr.

Hiện tại, Backpackr, công ty vận hành nền tảng bán hàng thủ công có tên idus, đã huy động được khoản tài trợ mở rộng trị giá 16 triệu USD (20 tỷ won) cho vòng gọi vốn Series C của mình, nâng tổng số tiền gọi vốn của vòng này lên con số 40 triệu USD (khoảng 40 tỷ won).

Sau khi gọi vốn thành công, công ty khởi nghiệp này hiện được định giá khoảng 240,1 triệu USD. Backpackr cho biết họ đã huy động được tổng cộng 56,8 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm 2012. Nhà đầu tư cũ Altos Ventures, Stone Bridge cùng các nhà đầu tư mới Axiom Asia và Đại học Vanderbilt cùng dẫn đầu vòng gọi vốn mở rộng này.

Với số tiền vừa huy động được, Backpackr quyết định sẽ mở rộng thị trường sang khu vực Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines, vào quý 2 năm nay. Trong một cuộc phỏng vấn với TechCrunch, ông Kim cho hay tham vọng của Backpackr là trở thành Etsy của châu Á. Backpackr cũng có kế hoạch sử dụng số tiền huy động được để đầu tư vào R&D nhằm nâng cao hệ thống tìm kiếm và đề xuất dựa trên trí tuệ nhân tạo, cũng như tuyển dụng thêm nhân sự.

Công ty dự định bán các sản phẩm được chế tác tại Hàn Quốc ra nước ngoài và mang các sản phẩm thủ công được chế tác tại Đông Nam Á đến Hàn Quốc thông qua nền tảng của mình. Theo ông Kim, nếu kế hoạch này thành công, công ty sẽ tiếp tục tiến vào các thị trường khác như Nhật Bản và Mỹ. Backpackr sẽ phải cạnh tranh với các nền tảng bán hàng thủ công mỹ nghệ khác ở châu Á như Minne and Creema có trụ sở tại Nhật Bản, Pinkoi có trụ sở tại Đài Loan và Carousell có trụ sở tại Singapore. Quy mô thị trường các sản phẩm thủ công ở châu Á được dự đoán sẽ tăng từ 149 tỷ USD vào năm 2021 lên 307,8 tỷ USD vào năm 2027.

Ông Kim tiết lộ nguồn thu của công ty không chỉ đến từ nền tảng thương mại idus mà còn từ một nền tảng gây quỹ cộng đồng có tên là Tumblbug - công ty đã mua lại vào năm 2020. Backpackr cũng đã ra mắt dịch vụ giống như Patreon, Steadio để kết nối những người sáng tạo với người hâm mộ của họ. Ông Kim chỉ ra rằng Backpackr hướng tới xây dựng theo mô hình "One-stop-shop" - cung cấp nhiều dịch vụ cho khách hàng chỉ trong một nền tảng, đây chính là điểm khác biệt lớn của công ty so với các đơn vị khác.

“Chúng tôi muốn biến nó thành nền tảng one-stop-shop dành cho người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, giúp họ mở cửa hàng trực tuyến của riêng họ để bán các sản phẩm handmade, bao gồm đồ thủ công mỹ nghệ và bất kỳ thứ gì tự làm như bánh mì, xà phòng, nến, đồ trang sức, nước hoa, túi xách, đồ nội thất, trang trí nhà cửa và tác phẩm nghệ thuật, giúp họ gây quỹ cộng đồng cho các sản phẩm của họ và kết nối nhà sáng tạo với người hâm mộ để cung cấp các lớp học trực tuyến hoặc trực tiếp,” ông Kim chia sẻ.

Cho đến tháng 11 năm ngoái, Backpackr đã có khoảng 60.000 nhà sáng tạo tham gia vào các nền tảng của họ. Theo ước tính, 3% người bán trong top đầu kiếm được 181.000 USD (hơn 200 triệu won) mỗi năm từ idus. Thêm vào đó, nền tảng idus đã mở ra cơ hội việc làm cho nhiều nghệ sĩ, thợ thủ công có tay nghề cao tại Hàn Quốc.

Công ty cho biết tổng khối lượng hàng hóa đã vượt qua 804 triệu USD trong tháng 11 và vượt qua điểm hòa vốn vào nửa cuối năm ngoái, mặc dù công ty vẫn báo lỗ trong năm 2022. Backpackr dự kiến ​​​​sẽ tạo ra lợi nhuận trong năm nay, ông Kim nói.

Nguồn: