Tại lễ công bố tài trợ cho các dự án KH&CN năm 2021, diễn ra vào ngày 9/12, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) cho biết, có 20 dự án KH&CN mới được trao tài trợ với kinh phí 92 tỷ đồng, nâng tổng kinh phí tài trợ cho các dự án trong ba năm qua của Quỹ lên 445 tỷ đồng.
Nếu các dự án này được hoàn thành đúng cam kết, dự báo sẽ có nhiều sản phẩm công nghệ tiên tiến và thiết thực sẽ ra đời.
Đó là các dự án thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm Y sinh -Y dược, Vật lý - Vật liệu, Toán học, Công nghệ thông tin - Khoa học máy tính..., được đánh giá là có định hướng ứng dụng, sử dụng cách tiếp cận tiên tiến và dự báo có tầm ảnh hưởng.
Có thể thấy được phần nào tiềm năng đó qua
một số dự án được đánh giá cao như: chế tạo linh kiện quang điện hóa cho sản xuất nhiên liệu H2 từ nước nhằm giải quyết bài toán năng lượng sạch và phát triển bền vững; hệ thống internet vạn vật theo dõi điện tim thai nhi với cảm biến không tiếp xúc, hỗ trợ theo dõi sức khỏe thai nhi và bà mẹ ngay tại nhà với chi phí thấp; phát triển công nghệ làm lành vết thương ngoài da sử dụng súng phun tế bào gốc và màng nano sinh học...
Những nhóm nghiên cứu nhận tài trợ lần này đều gồm các nhà nghiên cứu đã tích lũy được kinh nghiệm như PGS.TS. Nguyễn Hoàng Nam (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS. TS. Trần Xuân Trường (Học viện kỹ thuật quân sự), PGS.TS. Nguyễn Lĩnh Toàn (Học Viện Quân y)…
Không dễ để nhận được tài trợ năm nay. Theo tiết lộ của Quỹ VinIF, ở đợt kêu gọi tài trợ này, họ đã tiếp nhận tổng cộng 211 dự án đề xuất, từ đó chọn ra 20 đề tài để tài trợ với kinh phí tối thiểu 2 tỷ đồng/dự án. Để chọn ra những đề tài xứng đáng, VinIF phải mời 180 chuyên gia trong và ngoài nước vào các hội đồng chuyên ngành, gấp ba lần so với đợt xét duyệt ở năm đầu tiên.
Chia sẻ về việc tài trợ cho các dự án, PGS.TS Phan Thị Hà Dương, giám đốc điều hành quỹ VinIF cho biết: “Mỗi dự án được chia làm ba giai đoạn và sẽ có nghiệm thu giai đoạn với các nhận xét của các chuyên gia am hiểu lĩnh vực của dự án. Các chuyên gia vừa đánh giá vừa có thể có những góp ý với dự án”, chị nói thêm.
VinIF cho biết để nhà nghiên cứu không phải vướng bận vào việc hợp thức hóa các thủ tục tài chính, việc giải ngân sẽ thực hiện dựa trên “người thật, việc thật”. Quỹ sẽ không có giới hạn nào về các khoản mục chi và xây dựng các định mức đủ rộng để mỗi dự án có thể thực hiện theo đúng tiêu chuẩn cao.
Bên cạnh việc rót kinh phí thực hiện dự án, Quỹ sẽ đồng hành cùng đội ngũ thực hiện dự án tiếp cận các nguồn lực khoa học, kết nối với mạng lưới chuyên gia tư vấn và truy cập cơ sở dữ liệu lớn. Kết quả nghiên cứu cũng sẽ được VinIF tư vấn đăng ký bảo hộ bằng độc quyền sáng chế và giới thiệu nguồn đầu tư để tiếp tục triển khai ứng dụng vào các sản phẩm, giải pháp thực tiễn.
Chương trình tài trợ Dự án KH&CN được VinIF triển khai từ năm 2019 nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy khả năng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, từ đó, xây dựng những công trình khoa học và giải pháp công nghệ mang lại lợi ích thiết thực.
Tính đến nay, VinIF đã tài trợ cho 83 dự án khoa học, trong số đó, nhiều dự án đã cho ra kết quả thực tiễn, với 163 sản phẩm dạng hệ thống, thiết bị; 159 sản phẩm dạng phần mềm, cơ sở dữ liệu; cũng như xuất bản 143 công bố khoa học tại các tạp chí Q1 và hội thảo hàng đầu thế giới. Đặc biệt, 34 nghiên cứu đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế. |
Ngô Hà