Các tỉnh miền Bắc đang ở giai đoạn có nguy cơ chịu ảnh hưởng cao nhất của tình trạng ô nhiễm không khí từ Trung Quốc, do khói bụi độc hại theo gió mùa đông bắc tràn về. Trong khi đó, chưa giải pháp khắc phục nào có thể thực thi trong ngắn hạn.
Tháng 12, tháng 1 là khoảng thời gian miền Bắc Việt Nam đón nhiều đợt rét do gió mùa đông bắc. Dạng thời tiết này đe dọa sức khỏe người dân không chỉ vì dễ gây cảm lạnh, cảm cúm mà còn vì nó làm nghiêm trọng thêm vấn nạn khói bụi xuyên quốc gia, cụ thể là tăng nguy cơ không khí ô nhiễm từ Trung Quốc tràn về.
Những con số giật mình
Một số nghiên cứu cho thấy, môi trường không khí ở Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới, trong đó đặc biệt đáng lưu ý là mức độ ô nhiễm vào các tháng mùa đông.
Do chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, toàn bộ miền Bắc và miền Trung Việt Nam đều bị tác động đáng kể bởi các nguồn khí phát thải từ các khu vực phía đông, đông bắc, đông nam của Trung Quốc, Đài Loan đưa sang.
Cuối tháng 10/2015, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố kết quả nghiên cứu về tình hình ô nhiễm tại 9 tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh biên giới phía bắc trong thời gian gần đây, sử dụng phương pháp quan trắc thực địa chất lượng không khí, phân tích ảnh viễn thám và ứng dụng mô hình toán. Theo đó, khu vực miền Bắc đang chịu ảnh hưởng đáng kể của không khí ô nhiễm xuyên biên giới từ Trung Quốc tràn sang, đặc biệt vào mùa đông.
“Vào mùa đông, có sự lan truyền ô nhiễm không khí khá lớn từ Trung Quốc tới miền Bắc Việt Nam. Sự di chuyển này chủ yếu đi theo hướng đông bắc - hướng có sự hoạt động mạnh mẽ của gió mùa đông bắc. Nghiên cứu cũng cho thấy, vào mùa đông 40-50% nồng độ các chất ô nhiễm ở miền Bắc Việt Nam có nguồn gốc ngoài lãnh thổ từ phía bắc và phía đông bắc nước ta” - nghiên cứu chỉ ra.
Theo số liệu của nghiên cứu này thì 55% lượng khí SO2, 48% lượng khí NO2 và 30% lượng khí CO trong không khí miền Bắc vào mùa đông có nguồn gốc Trung Quốc. Trong khi đó vào mùa hè, khi Việt Nam ít chịu ảnh hưởng của gió đông bắc, thay vào đó là gió mùa tây nam và đông nam, nồng độ các chất ô nhiễm không khí có sự thay đổi đáng kể: Chỉ có 4% lượng khí SO2, 2% lượng khí CO và 1,5% lượng khí NO2 đến từ nước láng giềng phương Bắc.
Trong những ngày đầu tháng 12 này, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc liên tục nâng cấp cảnh báo ô nhiễm lên mức da cam rồi đỏ. Đợt tấn công của khói bụi độc hại này được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong năm - với mức độ ô nhiễm tăng gấp 10 lần chỉ trong 12 giờ. Tình trạng này ở nước láng giềng cộng với hoạt động của gió đông bắc khiến các chuyên gia lo ngại cảnh “hứng” ô nhiễm tại Việt Nam sẽ còn trầm trọng hơn trong thời gian tới - đặc biệt là vào tháng 1, thời điểm gió mùa đông bắc mạnh nhất trong năm.
Để giải quyết, cần thời gian dài
Làm sao để loại bỏ ảnh hưởng đáng sợ của khói bụi xuyên biên giới đến sức khỏe người Việt Nam? PGS-TS Dương Hồng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu - nói: “Cách giải quyết có thể đưa ra hiện nay là tăng cường, phối hợp nghiên cứu và quản lý ô nhiễm không khí giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới, nhất là Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, đây là công việc phải mất một thời gian dài nữa mới có thể thực hiện được.
Trong khi chờ đợi, GS-TS Nguyễn Đức Ngữ - Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ - khí tượng - thủy văn - môi trường - cho rằng, chúng ta cần phát triển hệ thống rừng phòng hộ để ngăn chặn và hấp thụ bớt các nguồn, chất gây ô nhiễm trong không khí khi được thời tiết đưa qua Việt Nam. Công việc này cũng không có khả năng hoàn tất trong ngắn hạn, bởi các khu rừng phòng hộ cần nhiều năm để phát triển đủ sức bảo vệ con người.
Mới đây, trong hội nghị các nước thành viên Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ mười một, các bộ trưởng, trưởng đoàn đã rà soát các vấn đề liên quan đến hợp tác trong khu vực về kiểm soát khói mù, đặc biệt là rà soát những hoạt động đã thực hiện trong khuôn khổ Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Dự kiến xây dựng Trung tâm Điều phối ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (Trung tâm AHA) tại Indonesia cũng được thông qua, cùng nhiều văn kiện quan trọng nhằm kiểm soát tình trạng này.
Với sự chung tay và thiện chí của các quốc gia láng giềng, hy vọng hiện tượng ô nhiễm xuyên quốc gia sẽ dần được kiểm soát. Và trong lúc chờ đợi, cách đối phó duy nhất người dân có thể làm là mặc kín, đeo khẩu trang hoặc hạn chế ra ngoài trong những đợt cao điểm khói bụi tràn về từ ngoài lãnh thổ.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân thế nào? Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đầu tiên tới hệ hô hấp, làm phát sinh các căn bệnh liên quan tới tai, mũi, họng như nghẹt mũi, xoang, viêm phế quản, hen suyễn. Ngoài ra, các chất độc trong không khí cũng là tác nhân gây ra bệnh ung thư phổi, vòm họng, mũi. Không những thế, chất ô nhiễm sẽ làm tăng độc tố trong máu, gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp, dẫn đến đột quỵ, suy tim. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn gây ra một số bệnh về da liễu, mắt. |