Chỉ trong 5 năm từ 2010 - 2015, Đại học Thái Nguyên đã triển khai 272 đề tài, dự án chuyển giao công nghệ với tổng giá trị 270 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng trung du miền núi phía bắc và cả nước.


Gắn hoạt động khoa học với đời sống

Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) gắn liền với sản xuất và đời sống, phục vụ đắc lực cho công tác đào tạo là xu hướng mới của Đại học Thái Nguyên những năm gần đây. Cơ chế hoạt động KH&CN của trường được chuyển dần theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội thông qua hình thức đấu thầu các đề tài, dự án khoa học.

Với vị thế là trường đại học vùng trọng điểm của cả nước, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, Đại học Thái Nguyên đã bước đầu có sự chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp KH&CN tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động.

Bằng việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tình hình thực tiễn, Đại học Thái Nguyên đã tăng cường công tác quản lý khoa học một cách hiệu quả. Trường cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho KH&CN, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ thực hành, thực nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu ở các cơ sở giáo dục đại học thành viên và các viện nghiên cứu.
Thành quả nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học sâu rộng, đa dạng các cấp đề tài của Đại học Thái Nguyên là 3 sản phẩm nghiên cứu được cấp bằng sáng chế, 60 công trình được tặng giải thưởng khoa học, trong đó có 2 giải Kovalevskaia và 3 giải nhất “Tài năng khoa học trẻ toàn quốc”.

Nhiều nghiên cứu hướng đến cuộc sống của đồng bào miền núi và dân tộc thiểu số cũng được Đại học Thái Nguyên phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương và các tỉnh trung du - miền núi phía bắc thực hiện, như các vấn đề kinh tế - xã hội, vấn đề đất đai, môi trường, chính sách dân tộc, các mô hình sinh kế vùng cao, chữ viết cho người Mông, tri thức bản địa…

Một đơn vị của Đại học Thái Nguyên là Viện Khoa học Sự sống - nhờ được đầu tư trang thiết bị hiện đại với các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn - đang tập trung nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện miền núi phía bắc. Viện cũng đang nghiên cứu về chẩn đoán sớm dịch bệnh ở người, cây trồng và vật nuôi; bảo quản, chế biến nông sản; ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ sức khỏe con người...

Ngoài nghiên cứu, Viện Khoa học Sự sống còn có vai trò tư vấn, đầu tư và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học sự sống trọng tâm cho các tỉnh miền núi phía bắc; xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp để hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Viện cũng có nhiệm vụ xây dựng các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học có sự tham gia của cộng đồng, các mô hình sản xuất kết hợp bảo vệ môi trường, các mô hình y tế cộng đồng…
Sôi động chuyển giao công nghệ

Hoạt động chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên gắn bó chặt chẽ với các đề tài, dự án phối hợp nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các địa phương, các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2010-2015, trường đã có 272 đề tài/dự án chuyển giao công nghệ với tổng giá trị gần 270 tỷ đồng. Kinh phí chương trình, dự án chuyển giao công nghệ đều được các tổ chức đối tác, hợp tác cấp và giải ngân thông qua hợp đồng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Giá trị các công trình, sản phẩm đều được định giá và chuyển giao cho tập thể, cá nhân nhà nghiên cứu.

Riêng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ cao về kỹ thuật công nghiệp - đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên - trong 5 năm kể từ 2010-2015 đã có 24 đề tài được chuyển giao công nghệ, chủ yếu là các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất, kinh doanh, các hệ thống, quy trình kỹ thuật. Khách hàng chủ yếu của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ cao về kỹ thuật công nghiệp là chủ các doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN, giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.

Các sản phẩm KH&CN tiêu biểu mà Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ cao về kỹ thuật công nghiệp đã chuyển giao bao gồm: Tư vấn thiết kế và thi công xây dựng hệ thống nước thải Nhà máy may TNG Phú Bình với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng; sản phẩm cơ khí phục vụ kinh doanh cho Công ty cổ phần dược phẩm Hà Tây với tổng giá trị hơn 6 tỷ đồng.

Máy bay điều khiển đã chuyển giao cho một số doanh nghiệp.
Máy bay điều khiển đã chuyển giao cho một số doanh nghiệp.

Với tầm nhìn chiến lược đến năm 2020, Đại học Thái Nguyên phấn đấu trở thành đại học vùng đa ngành, đa lĩnh vực có quy mô lớn nhất nước. Trường đang phát triển các chiến lược, kế hoạch cụ thể để thúc đẩy hoạt động KH&CN, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học vào thực tiễn để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Xe hai bánh tự cân bằng - một sản phẩm của Đại học Thái Nguyên.  Ảnh: Đại học Thái Nguyên cung cấp
Xe hai bánh tự cân bằng - một sản phẩm của Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Đại học Thái Nguyên cung cấp