Ngày 14/9, 10 startup nổi bật nhất đã tranh tài tại vòng chung kết Cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam QVIC 2022 tại TPHCM để giành các giải thưởng có tổng giá trị 225 nghìn USD.

Kết quả, giải Nhất 100.000 USD thuộc về dự án chế tạo máy bay không người lái chuyên dụng của Công ty cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart. Có thể ứng dụng thiết bị này trong nông nghiệp, giúp quản lý mùa vụ, dữ liệu canh tác và theo dõi sinh trưởng, sức khoẻ cây trồng; phun thuốc bảo vệ thực vật, tưới phân bón, gieo sạ, rải hạt... Đặc biệt, Mismart có thể khoanh vùng cây trồng bị nhiễm sâu bệnh và phun thuốc trúng đích tại khu vực đó, giúp tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật và an toàn sản phẩm.

Giải Nhì 75.000 USD thuộc về sản phẩm card âm thanh tích hợp DAC cao cấp của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiến bộ Việt Nam (VN Progression).

Công ty TNHH GraphicsMiner Việt Nam với bộ sản phẩm tương tác thực tế ảo bằng bìa cứng thân thiện với môi trường, nhận được giải Ba 50.000 USD.

N
Dự án Mismart nhận giải Nhất. Ảnh: KA

Ba dự án đoạt giải còn nhận được những hỗ trợ khác sau chương trình trong mạng lưới Qualcomm toàn cầu.

Tại lễ trao giải, Ban tổ chức đã phát động QVIC 2023. Các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ có thể đăng ký tham gia ngay từ hôm nay tại: https://www.qualcomm.com/company/locations/vietnam/vietnam-innovation-challenge#qvic-2023

Cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC) được tổ chức thường niên từ năm 2019 với sự hỗ trợ và đồng hành của Bộ KH&CN. Mục đích của Cuộc thi nhằm tìm kiếm và nuôi dưỡng các công ty công nghệ tiềm năng trong các lĩnh vực trọng điểm như 5G, IoT, trí tuệ nhân tạo, học máy, thành phố thông minh, thiết bị đeo và đa phương tiện,...


10 startup vào vòng chung kết QVIC 2022 gồm:

- AI Dynamix (Hệ thống quản lý nhà máy điện mặt trời);

- CyberPurify (Giải pháp AI tự động kiểm duyệt nội dung độc hại trực tuyến);

- GraphicsMiner (Kính thực tế ảo tăng cường từ bìa cứng cho trẻ em);

- InfraSen (Giải pháp và công nghệ lõi ảnh nhiệt);

- Lotoda (Nền tảng IoT cho nông nghiệp thông minh);

- MiSmart (Giải pháp AI và Drones cho nông nghiệp thông minh);

- SMATEC (Hệ thống địa chỉ công cộng thông minh cho chính phủ và doanh nghiệp);\

- tMonitor (Nền tảng quan trắc chất lượng không khí sử dụng AI và IoT);

- VAS Corp (Nền tảng logistics cho công nghiệp 4.0 );

- VN Progression (Thiết bị xử lý âm thanh DAC chuyên dụng bên ngoài)

10 startup này đều được nhận hỗ trợ 10.000 USD chi phí nghiên cứu và phát triển để tạo ra nguyên mẫu sản phẩm và thêm 5.000 USD chi phí đăng ký bằng sáng chế tại Việt Nam hoặc Mỹ.