Khi nghe ông Lý Ngọc Minh giới thiệu sản phẩm bộ nồi nấu ăn dưỡng sinh bằng sứ, hay ông Nguyễn Thanh Mỹ “khoe” dòng phân bón thông minh tự hoà tan theo nhu cầu của cây trồng trong một thời gian dài, thì bất giác nhớ lại câu hỏi mà Simon Sinek - tác giả sách “Bắt đầu với câu hỏi tại sao”.
Ông đã đưa ra ở lần nói chuyện trên TED:“Tại sao Apple lại quá sáng tạo? Năm này qua năm khác, họ sáng tạo nhiều hơn tất cả những đối thủ của mình.
Và vâng, họ chỉ là một công ty máy tính.Họ cũng chỉ như những người khác. Họ cũng cùng khả năng tiếp cận với cùng những tài năng, cùng các nhà môi giới, cùng các cố vấn và cùng phương tiện truyền thông. Vậy tại sao họ có vẻ như có gì đó khác?”.
Chọn dấn thânNếu người sáng lập thương hiệu mỹ phẩm nổi đình nổi đám khắp thế giới l’occitane xây dựng câu chuyện truyền thông dựa trên hành trình đi khắp thế giới để tìm kiếm mùi hương của mình, thì ông Lý Ngọc Minh cũng có thể được xem là người đi khắp thế gian để tìm kiếm nguyên vật liệu cho gốm sứ. Không chỉ tìm kiếm nguồn đất sét tốt nhất, nguồn cao lanh mịn màng nhất, ông Minh còn khai quật những cách thức người xưa lẫn người nay tạo màu cho sản phẩm, sử dụng loại vàng gì, bạc gì để ốp lên gốm sứ cũng như các kỹ thuật tạo hình, kỹ thuật nung khác nhau.
Đi miệt mài, học hỏi và tham quan chính quy cũng có, xem “cọp” cách người ta làm cũng có, ông ghi đầy sổ tay những cảm nhận qua mỗi cuộc hành trình. Chỗ nào có cái hay thì học ngay. Chỗ nào thấy cái chưa hay cũng phải ghi lại. Về nhà, ông miệt mài trong xưởng, thử nghiệm hỏng, làm lại. Lại hỏng, thì làm tiếp, chừng nào được mới thôi.
Tới giờ, hỏi máy móc của Minh Long I là của nước nào, ai cũng lắc đầu, vì nó tập hợp nhiều thứ lắm. Nguyên cái nhà máy, chưa bao giờ trong tình trạng hoàn thành, vì lúc nào ông Minh cũng thấy chưa được, phải tiếp tục sáng tạo, phải tiếp tục cải tiến. Cái máy này là của Đức, nhưng công nghệ phải là của Nhật, thêm phần điều chế này là ông tự thử nghiệm ra… Sở hữu một nhà sáng tạo bên trong doanh nghiệp, đó chính là lý do Minh Long I yên tâm giong buồm ra biển lớn cạnh tranh với các công ty trên toàn thế giới.
“Mọi chuyện ngồi nghĩ thì dễ, tới lúc làm mới biết cái gì cũng có lúc vô cùng khó. Quan trọng là phải làm cho bằng đuợc, phải làm, phải làm…” - ông Minh nói.
Ở một vùng đất nghèo hơn, ông “chủ cũ” của Mỹ Lan Group - giờ là nhà sáng lập công ty nông nghiệp thông minh Rynan cũng tin vào điều tương tự. Ông Nguyễn Thanh Mỹ đưa ra bốn chữ làm cần nhớ trong khởi nghiệp: làm đúng lại cái đang bị làm sai; làm tốt hơn cái đang tốt; làm có cái chưa có; và xa hơn là làm một dấu ấn tốt để lại cho cuộc sống.
Và chọn làm người cung cấp giải pháp
“Cẩn tắc vô ưu” – một thành ngữ phổ biến của Việt Nam đã được giáo sư Mỹ là Philip C. Zerrillo và Paolo Castadi dùng làm lời mở đầu trong tiểu luận về Minh Long I khi được trường đại học SMU của Singapore đặt hàng thực hiện nghiên cứu này.
Đó hình như cũng là một nguyên tắc vàng được ông Lý Ngọc Minh áp dụng xuyên suốt trong mấy mươi năm làm việc của mình: làm gì cũng nghĩ hai lần, kiểm tra hai lần và suy nghĩ nhiều lần.
“Tôi quan điểm mọi thứ phải đơn giản. Do đó, nguyên tắc đầu tiên là phải làm thế nào để tìm kiếm một con đường xây dựng sự nghiệp thật đơn giản và hiệu quả. Giống như tôi, ai hỏi làm cái gì, tôi bảo tôi sản xuất đồ gốm sứ, và làm đồ gốm sứ tốt nhất. Tôi cũng biết nhiều người thành đạt trên cả thế giới này, họ cũng làm mọi thứ đơn giản lắm: người thì làm cà phê ngon nhất, người thì nấu món ăn đặc sắc nhất, người thì chuyên tâm làm người dẫn chương trình truyền hình thu hút nhất. Chỉ cần như vậy, định nghĩa rõ ràng công chuyện của mình đã là một tiền đề cho sự thành công. Đừng bao giờ làm mọi chuyện rối rắm, phức tạp tới lúc không biết rõ mình đang làm cái gì là không được”.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ.
Nhiều người hay gọi ông Minh và ông Mỹ là nhà sáng chế, người viết lại thấy họ gần hơn với định nghĩa người tạo ra giải pháp cho các vấn đề cuộc sống một cách sáng tạo nhất. Nó giống như tuyên bố bất hủ mà Steve Jobs đưa ra sau 12 năm quay lại điều hành Apple: “Việc chữa trị cho Apple không phải là cắt giảm chi phí; Chữa bệnh cho Apple là đổi mới cách thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại của nó”.
Ông Mỹ lụi cụi đi khắp nơi tìm giải pháp cho nông nghiệp thông minh, mặc dù vẫn biết “làm gì có giải pháp đúng y chang chuyện của nhà mình trên thế giới”. Nhưng tìm ra cái lý do để làm, tìm ra tình yêu với “vấn đề nông nghiệp”, thì sẽ có lúc tìm được giải pháp cho vấn đề mà mình đã yêu. Những lần ngồi cùng ông Mỹ trên sân khấu các cuộc tọa đàm bàn tròn, trong bữa cơm vội hay chỉ là những trao đổi rất ngắn qua điện thoại, lúc nào cũng thấy ông tràn đầy năng lượng, đam mê cho những điều nhỏ nhất mà mình đang làm. Dù là xếp những chiếc khăn sạch bên cạnh bồn rửa tay ở công ty mình, để ai cũng có thể vừa lau khô tay vừa lau khô bồn rửa sau khi dùng xong. Vậy là giải quyết được chuyện ý thức cộng đồng của mọi người một cách trực quan, gần gũi và đơn giản nhất. Hay là tính toán về việc phân bón thông minh sẽ giúp giảm tải hiệu ứng nhà kính như thế nào thông qua việc không thải thêm các khí “nóng” ra ngoài nhờ quá trình tan chậm, đều là những giải pháp mà chỉ có người làm bằng tất cả trái tim mới nghĩ ra được.
“Làm điều mình yêu. Đam mê là tất cả. Đổi mới sáng tạo không thể diễn ra nếu thiếu đam mê. Tôi không mê sản xuất máy tính, tôi mê chế tạo ra các công cụ đẹp, đơn giản để phục vụ con người tốt hơn, tình cờ nó là máy tính, điện thoại hay gì đi nữa” - Steve Jobs nói vậy.
Và mật mã của sáng tạo, chính là tìm ra câu trả lời của câu hỏi: “Điều gì làm tim ta vui đến cất tiếng hát”.