Đầu tư vào các startups trong trường đại học sẽ làm gia tăng sức mạnh và chất lượng cho hệ sinh thái KNĐMST của quốc gia.
Vừa qua, Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN phối hợp với với Trung tâm khởi nghiệp Seoul (SSH) tổ chức tọa đàm trực tuyến về hai chủ đề “Mảnh ghép còn thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam: Đổi mới sáng tạo với tập đoàn kinh tế" và "Sự nổi lên của công nghệ giáo dục (EdTech) trong và hậu COVID-19".
Tại đây, các đại biểu nhất trí rằng, hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh trong những năm gần đây; các nhà đầu tư đang có sự tin tưởng rất lớn vào tiềm năng của hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam và kỳ vọng đây là thị trường tiềm năng ở Châu Á; và hệ sinh thái KNĐMST đã có đủ các mảnh ghép quan trọng, trong đó có các tập đoàn kinh tế lớn. Các tập đoàn này đóng vai trò quan trọng và bao phủ hầu hết các giai đoạn của startup - là khách hàng lớn đồng thời là nhà đầu tư hay đối tác chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm,… giúp startup có điều kiện gia nhập thị trường và trưởng thành sớm hơn.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện ĐMST, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, hiện nay, các tập đoàn kinh tế chưa thấy được vai trò vườn ươm trong các trường đại học, mặc dù đây là là thành tố rất quan trọng trong hệ sinh thái KNĐMST. Trường đại học là nơi đào tạo nhân lực, cung cấp kiến thức và tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo. Đồng thời, giúp kết nối với các tập đoàn kinh tế để thương mại hóa các ý tưởng của startups từ vườn ươm. Ông Nghĩa cho rằng, nếu các tập đoàn kinh tế đầu tư vào các startups trong trường đại học, sẽ làm gia tăng sức mạnh và chất lượng cho hệ sinh thái KN ĐMST của quốc gia.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Lee Tae Hoon, Trung tâm SSH cho biết, SSH hỗ trợ tất cả các startup. Trong đó, những dự án mà tư nhân có thể làm tốt thì SSH sẽ hợp tác với tư nhân để cùng vận hành. Tuy nhiên, SSH ưu tiên chọn các dự án thuộc những lĩnh vực với những lĩnh vực mà tư nhân làm chưa tốt hoặc không làm do e ngại tổn thất. SSH cũng thẩm định xem những dự án này có mang lợi ích cho startup và nhà đầu tư hay không, nếu có lúc đó mới chuyển cho nhà đầu tư. Các dự án quan trọng và tiêu biểu nhất đều được liên kết với doanh nghiệp lớn để thực hiện.
Trong chủ đề "Sự nổi lên của công nghệ giáo dục trong và hậu COVID-19", bà Laura Phan, người sáng lập Công ty iZi, cho biết, từ năm 2020, khi đại dịch COVD-19 bùng phát, trên thế giới có khoảng 1,5 tỷ học sinh phải học online. Ở Việt Nam, có gần 24 triệu học sinh, sinh viên phải ở nhà trong nhiều tháng liền và đây chính là cơ hội cho nhiều startup khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục.
Tuy nhiên, bà Laura Phan nhận định, đối với edtech Việt Nam, nền tảng hiện nay vẫn tập trung nhiều vào việc phục vụ trải nghiệm dạy hơn là trải nghiệm học. Bằng chứng là cộng đồng giáo viên sáng tạo tại Việt Nam gồm hơn 100 nghìn người vẫn đang trao đổi với nhau và tìm kiếm sản phẩm quốc tế để giải quyết bài toán dạy và học online. Bà cho biết thêm, nhờ giải quyết bài toán trải nghiệm học cho học sinh, sinh viên, iZi vẫn tăng trưởng tốt trong bối cảnh đại dịch.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, thách thức với các Edtech startup hiện nay là khó thay đổi tư duy của hệ thống giáo dục công lập để tiếp nhận những sự đổi mới, sáng tạo trong dạy, học và quản lý giáo dục. Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật (đường truyền internet), ứng dụng các công nghệ hiện đại (trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo,…) còn hạn chế.