Người Việt có quan niệm "chậm mà chắc” nhưng Giám đốc tài chính của AREVO Lê Diệp Kiều Trang cho rằng, trong lĩnh vực công nghệ, chậm chưa hẳn đã chắc, nhưng chậm chắc chắn là mất cơ hội. Nếu chỉ chậm 3-6 tháng, các nhóm nghiên cứu khác sẽ đuổi kịp và khiến startup mất đi lợi thế của người dẫn đầu.
Bà Lê Diệu Kiều Trang chia sẻ quan điểm này sau khi kể về quá trình mình cùng gây dựng hoặc đầu tư vào một số startup rất nhanh gọn tại Diễn đàn Cấp cao Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sáng 28/11 trong khuôn khổ TECHFEST 2020. Đơn cử, gần đây nhất là AREVO – startup sử dụng công nghệ in 3D trên vật liệu carbon fiber, giúp đẩy nhanh quá trình từ thiết kế đến ra sản phẩm. Sự ra đời của công nghệ này sẽ giúp các sản phẩm như xe đạp hay giá đỡ chân máy bay… gọn nhẹ và bền hơn rất nhiều so với các vật liệu cũ.
Đây là công nghệ rất mới trên thế giới, chỉ có một vài nhóm khoa học nghiên cứu thành công, nên bà Trang và chồng – ông Sonny Vũ đã quyết định đầu tư vào AREVO và trong vòng 3 tháng startup này đã có tung ra sản phẩm đầu tiên là khung xe đạp.
Chính lợi thế của người đi đầu đã giúp cho các sản phẩm của AREVO trở nên hấp dẫn, thu hút hơn với các nhà đầu tư và sau đó gọi vốn cộng đồng được 7 triệu USD. Rất nhanh chóng, chiếc máy in 3D cũng được đưa từ Mỹ về khu Công nghệ cao Quận 9 TP HCM để hiện thực hoá ước mơ xây dựng nhà máy in 3D đầu tiên trên thế giới ở Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ thử nghiệm với nhà máy sử dụng công nghệ in 3D thay thế kỹ thuật sản xuất thông thường đầu tiên trên thế giới. Nếu làm được việc này thì Việt Nam sẽ đuổi kịp ngành công nghiệp sản xuất xe đạp của Trung Quốc và có được vị trí quan trọng trong lĩnh vực chế tạo trên thế giới” – bà Trang tiết lộ.
Để đảm bảo nhân sự cho một công nghệ rất mới, bà Lê Diệp Kiều Trang và chồng lựa chọn cách kết nối các nguồn lực trong nước và nước ngoài và tin rằng cách làm này sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân sự của Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo, lắp ráp, phần mềm… từ đó, tạo điều kiện mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Cũng giống như AREVO, cách đây 9 năm đội ngũ kỹ sư người Việt của Misfit đã có cơ hội phát triển khi được học tập và làm việc với đội ngũ nước ngoài giúp họ nên ngay cả sau khi Misfit được bán lại cho Fossil Group, chính họ đã trở thành đội ngũ nòng cốt tiếp tục phát triển đồng hồ thông minh cho hãng sản xuất đồng hồ lớn thứ hai thế giới này – bà Trang cho biết.
Nhưng dù có giải quyết được bài toán về công nghệ, nhân sự và vốn thì cái vướng nhất khi làm ở Việt Nam vẫn chính là tốc độ, theo bà Lê Diệp Kiều Trang.
“Tốc độ trong vấn đề công nghệ rất quan trọng và quyết định thành công. Người Việt thường nghĩ chậm mà chắc nhưng với khởi nghiệp công nghệ chậm chưa hẳn đã chắc nhưng chậm chắc chắn là mất. Bởi chỉ trễ 3-6 tháng, các nhóm nghiên cứu khác đuổi kịp mình làm mình mất đi lợi thế của người dẫn đầu. Nếu chậm thì trong thời gian đó startup phải nghiên cứu được sản phẩm cách rất xa so với người đứng sau. Vì thế, tôi mong các Bộ ban ngành khi hỗ trợ chính sách, các startup khi khởi nghiệp chắc nhưng không được chậm”, bà Lê Diệp Kiều Trang nói.
Bích Ngọc