Qua trao đổi trong buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và tỉnh Bến Tre chiều 9/10 tại trụ sở bộ, Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá, quan điểm của Bến Tre nhất quán với Bộ KH&CN khi lấy doanh nghiệp là trung tâm.


Tham dự buổi làm việc về phía Bộ KH&CN còn có Thứ trưởng Phạm Đại Dương và đại diện các đơn vị thuộc Bộ. Về phía tỉnh Bến Tre có ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NV
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NV

Giới thiệu khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Bến Tre, ông Cao Văn Trọng cho biết GDP của tỉnh tăng trưởng 5,3%, mức tăng trưởng khá sau nhiều năm kinh tế gặp khó khăn do phải đối mặt với thiên tai và biển đối khí hậu. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã xác định 8 sản phẩm chủ lực, tập trung vào 5 cây, 3 con là: Dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển.

Để đạt mục tiêu, ông Trọng cho biết: “Bến Tre mong muốn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, lấy doanh nghiệp là trung tâm để hỗ trợ phát triển KH&CN. Thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu một số sản phẩm như nhãn hiệu chứng nhận cho bò Ba Tri, rượu Phú Lễ, nhãn hiệu tập thể cho măng cụt và chôm chôm Chợ Lách... Tỉnh cũng hỗ trợ các đơn vị xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sầu riêng Cái Mơn, bưởi da xanh Bến Tre và dừa Bến Tre”.

Nói thêm về quan điểm của tỉnh, ông Võ Thành Hạo cho biết, Bến Tre có xuất phát điểm thấp về KH&CN nên triết lý phát triển nằm ở 4 trụ cột là con người, KH&CN, vốn và quản trị.

"Trong hội nghị về xúc tiến đầu tư năm ngoái, chúng tôi quyết tâm thu hút nguồn vốn. Có vốn rồi thì tập trung cho KH&CN. Một trong các mục tiêu là làm thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây dừa và cây bưởi. Điểm quan trọng của phát triển kinh tế hiện giờ không phải là sản xuất mà nằm ở thương hiệu. Mình cứ cố sản xuất để có hàng hóa mà quên mất cái tên, sản phẩm dù có bán được cũng phải bán bằng tên và thương hiệu của người, rất thiệt thòi" - ông Hạo nói và nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh Bến Tre xác định nếu không dựa trên nền tảng KH&CN thì khó phát triển kinh tế. Vì thế, tỉnh mạnh dạn mời các doanh nghiệp địa phương tham gia buổi gặp với lãnh đạo Bộ KH&CN để có thêm cái nhìn ở góc độ của người quản trị doanh nghiệp mong muốn thúc đẩy sản xuất.

“Chúng tôi nhận thức rằng, để phát triển sản xuất nông nghiệp, phải bắt đầu từ sự phát triển của doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp sẽ sử dụng nguyên liệu nông sản của tỉnh, đẩy mạnh nông nghiệp phát triển theo” - ông Hạo nhấn mạnh.

Tán thành quan điểm này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá, quan điểm của Bến Tre nhất quán với Bộ KH&CN khi lấy doanh nghiệp là trung tâm; xung quanh doanh nghiệp cần xây dựng các khâu, các lĩnh vực để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Vì thế, Bộ KH&CN cũng tập trung xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường...

Theo Bộ trưởng, Bến Tre là tỉnh chưa có nhiều hoạt động KH&CN nổi bật nhưng đã có tinh thần quyết liệt đưa khoa học vào từng ngành, từng khu vực và điều này rất đáng hoan nghênh. Bộ trưởng cũng đưa một dẫn chứng về một tỉnh có kinh tế chuyển biến tích cực nhờ KH&CN, đó là Tuyên Quang với quyết tâm đưa KH&CN vào sản phẩm cam Hàm Yên và thu được thành công trong vụ cam năm ngoái, sản phẩm thực sự có đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.

Thành công của cây cam khiến Tuyên Quang mạnh dạn đầu tư cho cây lâm nghiệp. Đây là sản phẩm có chu kỳ thu hoạch từ 7-8 năm, thu nhập khoảng 130 triệu/chu kỳ. Vì thế, Tuyên Quang mong muốn KH&CN góp sức để năng suất cao hơn, rút ngắn chu kỳ, nhằm tăng thu nhập cho bà con.

Với những bài học từ thực tế, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KH&CN luôn sẵn sàng đồng hành để KH&CN đi sâu sát và hỗ trợ tỉnh Bến Tre trong phát triển kinh tế.