Chiều 7/5, Lãnh đạo Bộ Khoa học & Công nghệ đã có buổi làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ nhằm đánh giá về những kết quả đạt được và những hạn chế cần khắc phục trong hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ trong thời gian vừa qua.

Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cùng đại diện một số đơn vị chức năng thuộc Bộ. Về phía Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) có Cục trưởng Đinh Hữu Phí, các Phó Cục trưởng Phan Ngân Sơn, Trần Lê Hồng, Nguyễn Văn Bảy và đại diện các bộ phận của Cục.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đăng Minh

Trong buổi làm việc, Cục trưởng Đinh Hữu Phí đã báo cáo những kết quả hoạt động của Cục SHTT trong giai đoạn 2016-2020. Về mặt chính sách pháp luật, Cục đã chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và tổ chức xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, chuẩn bị trình Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào tháng 10/2021 và thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2022. Bên cạnh đó, Cục SHTT đã chủ trì xây dựng, trình ban hành 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2 Thông tư của Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng 4 dự thảo Thông tư tài chính áp dụng cho các lĩnh vực SHTT; tham gia góp ý kiến các dự thảo Văn bản Quy phạm pháp luật liên quan đến SHTT.

Về công tác tiếp nhận, xử lý đơn sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,…) – hoạt động chủ chốt của Cục SHTT, cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong giai đoạn 2016-2020, Cục SHTT đã tiếp nhận 564 029 đơn và yêu cầu các loại; xử lý được 256.509 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; cấp 171.960 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp.

Để hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực cho các địa phương, Cục SHTT đã tích cực tham gia triển khai Chương trình OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị), Chương trình thương hiệu quốc gia và các Chương trình phát triển thương hiệu cho các sản phẩm quốc gia. Trong giai đoạn vừa qua, Cục SHTT đã cấp 1094 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 54 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của địa phương.

Để thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo cho các viện, trường và doanh nghiệp, Cục SHTT đã triển khai Dự án Môi trường SHTT kiến tạo (EIE) nhằm xây dựng Mạng lưới Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ (TISC), thu hút sự tham gia của 51 trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam. Dự án này đã góp phần tăng cường số lượng sáng chế và thương mại hóa tài sản trí tuệ của các viện, trường và doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016- 2020, Cục SHTT đã triển khai bảo hộ, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ, hỗ trợ áp dụng sáng chế cho các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho 1148 sản phẩm OCOP; tổ chức 1200 lớp tập huấn với khoảng 60.000 lượt người tham dự; tổ chức 500 khóa đào tạo cho khoảng 25 000 sinh viên; tư vấn, hỗ trợ cho 550 sáng chế và thực hiện khoảng 5000 chương trình truyền thông về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Giai đoạn 2016-2020 cũng ghi nhận nhiều sự kiện quan trọng về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực SHTT. Cụ thể, Cục SHTT đã chủ trì nội dung SHTT trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) được đàm phán và ký kết thành công gần đây như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định FTA Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định FTA Việt Nam – Vương Quốc Anh và Bắc Ireland,… Đồng thời, Cục SHTT đã xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (TRIPS); phê chuẩn Nghị quyết về việc Việt Nam gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế.

Bên cạnh đó, Cục SHTT cũng tích cực tham gia các diễn đàn, tổ chức quốc tế có nội dung hợp tác về SHTT như APEC, ASEAN, WTO và Tổ chức SHTT thế giới (WIPO). Cục SHTT đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về SHTT với các cơ quan SHTT của 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và nhóm 5 cơ quan SHTT lớn nhất thế giới (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), cũng như các quốc gia đối tác truyền thống như Nga, Cuba,… và tất cả các nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019 và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Nhóm công tác về hợp tác SHTT các nước ASEAn (AWGIPC 63) giai đoạn 2019-2021.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực song Cục trưởng Đinh Hữu Phí cũng nhận xét, hoạt động của Cục vẫn còn một số vướng mắc như đơn đăng ký Sở hữu công nghiệp vẫn còn nhiều và ngày càng tăng do số lượng xử lý được hàng năm thấp hơn số nhận được,… Nguyên nhân là do Cục SHTT thiếu nhân lực và nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao; hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu.

Sau khi nghe kết quả báo cáo , Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Cục SHTT đã đạt được trong thời gian qua. Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của vai trò của SHTT đối với sự phát triển của KH&CN và đổi mới sáng tạo, cũng như kinh tế - xã hội, đồng thời yêu cầu Cục SHTT cần phải thay đổi tư duy, quan điểm, cách làm để khắc phục các hạn chế còn tồn tại, trong đó nhấn mạnh về giải pháp tổ chức công việc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin…

Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Cục SHTT tập trung hoàn thành sửa đổi Luật SHTT và đẩy mạnh triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030; đồng thời sớm hoàn thiện mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, cũng như thay đổi về cơ chế, chính sách tài chính của Nhà nước.