Theo một báo cáo được công bố bởi Liên minh Khí hậu và Không khí sạch thuộc Liên Hợp Quốc, các biện pháp giảm thiểu khí mêtan hiện tại có thể hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu thêm 0,3 độ C vào năm 2045.

Báo cáo cũng chỉ ra, giảm thiểu khí mêtan còn là một trong những chiến lược hiệu quả nhất về chi phí hiện có để chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Mêtan là thành phần chính của khí tự nhiên, thường được ngành công nghiệp quảng bá như một nguồn nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, khí thải mêtan do con người tạo ra có khả năng làm khí hậu nóng lên mạnh hơn tới 80 lần so với CO2. Tuổi thọ của methane trong khí quyển là khoảng 12 năm - ngắn hơn nhiều so với CO2, tồn tại hơn một thế kỷ. Nhưng trong thời gian ngắn, mêtan mạnh hơn CO2 nhiều lần. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, trong khoảng thời gian 20 năm, tiềm năng gây nóng lên toàn cầu của 1 tấn khí methane tương đương với khoảng 85 tấn CO2. Trong hơn 100 năm, 1 tấn khí methane vẫn gây tác động tương đương khoảng 28 tấn CO2.

Theo báo cáo, hạn chế mêtan đem lại những lợi ích đáng kể đối với sức khỏe và ngành nông nghiệp - vì mêtan là tiền thân của ôzôn đối lưu và việc giảm thiểu khí mêtan sẽ làm giảm ô nhiễm ôzôn.

Việc cắt giảm tới 45% lượng khí thải mêtan vào năm 2040 có thể giúp ngăn ngừa 180.000 ca tử vong sớm và hơn 500.000 lượt nhập viện cấp cứu liên quan đến hen suyễn. Sản lượng cây trồng toàn cầu cũng có thể tăng thêm 26 triệu tấn mỗi năm, nhờ tránh được thiệt hại do lúa mì, đậu nành, ngô và gạo bị tiếp xúc với ôzôn. Báo cáo nêu chi tiết các giải pháp sẵn có có thể sử dụng để cắt giảm 30% lượng khí thải mêtan vào năm 2030, chủ yếu bằng cách khắc phục sự cố rò rỉ và thoát khí mêtan trong lĩnh vực dầu khí.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh nhiều quy định mới về tiêu chuẩn về khí mêtan trong nhập khẩu khí đốt đang được thảo luận. Cho đến nay, không có khuôn khổ hoặc giới hạn chung nào về phát thải khí mêtan và không có dấu hiệu nào cho thấy lượng khí thải đang giảm.

Theo tóm tắt của báo cáo, lượng khí mêtan tăng vọt trong khí quyển diễn ra cùng lúc với tình trạng gia tăng mạnh sản lượng khí đốt của Mỹ, vốn bị coi là một trong những loại khí bẩn nhất trên thế giới, xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu và các thị trường mới nổi ở châu Á.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng khí thải mêtan từ ngành công nghiệp khí đốt đã không được đánh giá đúng mức, thấp hơn tới 60% khối lượng thực tế ở Mỹ, thấp hơn tới 25-40% khối lượng thực trên toàn cầu, theo một số nghiên cứu khác.

Các cơ quan quản lý và nhà đầu tư đang ngày càng gia tăng áp lực lên ngành công nghiệp dầu khí và khí đốt. Vào ngày 29/4, lưỡng đảng Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc khôi phục các quy định dưới thời tổng thống Obama về kiểm soát rò rỉ từ các giếng dầu và khí đốt. Quy định này yêu cầu các công ty phải giám sát, cắm và thu khí mêtan từ các vị trí khoan mới.

Trong khi đó, ở châu Âu, Ủy ban châu Âu đã thông qua Chiến lược mêtan của EU vào tháng 10/2020, cho thấy ý định cắt giảm phát thải mêtan, với các đề xuất chính sách cụ thể dự kiến được đưa ra ​​vào cuối năm nay.

Nguồn:

Media Climate Net,United Nations Environment Programme