Sau 13 năm kể từ ngày thành lập, Khu Công nghệ cao TP.HCM đã trở thành địa điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu của TP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, sử dụng công nghệ cao.

Sáng 23/10, Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm 13 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Sau 13 năm, Khu Công nghệ cao TP.HCM đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng giai đoạn I và đang đẩy nhanh việc triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn II.

Đến nay, SHTP đã cấp giấy phép cho 82 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn gần 4,4 tỷ USD. Trong đó, có nhiều tập đoàn lớn như Intel, Nidec, Samsung, Sonion... với giá trị xuất khẩu đạt mức hơn 13,5 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2011 – 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu bình quân của Khu đạt 94% so với giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của TP. Tính trung bình, năng suất lao động tại SHTP cao gấp 7 lần so với năng suất lao động tại các Khu Công nghiệp, Khu chế xuất trên địa bàn. Ước tính giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất tại Khu hiện đang ở mức trên 22%...

Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, kết quả này minh chứng cho đóng góp đáng kể, hiệu quả của SHTP trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của TP từ chiều rộng sang chiều sâu. Cùng với đó là thu hút vốn đầu tư FDI cho tăng trưởng kinh tế TP theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao.

1
Ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND TP.HCM trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể cán bộ Khu Công nghệ cao TP.HCM

Phát biểu tại buổi lễ, ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, lãnh đạo TP.HCM đã có những suy nghĩ, ý tưởng về việc hình thành một khu Công nghệ cao để tạo động lực phát triển cho TP, sao cho xứng đáng với vị thế là trung tâm kinh tế - xã hội hàng đầu cả nước.

SHTP ra đời với 3 mục tiêu lớn, đó là: Huy động nguồn lực, vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM; Hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại, sử dụng công nghệ cao nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh; Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho TP.HCM và cả nước.

Sau 13 năm thành lập, Khu Công nghệ cao đã phát triển theo đúng định hướng mà lãnh đạo TP đã đề ra, trở thành một “thỏi nam châm” thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư từ nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và trong nước.

Bên cạnh việc ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Khu Công nghệ cao đã đạt được, ông Cang cho rằng, Khu cũng đang tồn tại những hạn chế cần phải khắc phục trong tương lai. “Chúng ta có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các khu Công nghệ cao. Nhưng nếu như thế thì Khu Công nghệ cao TP.HCM có gì khác so với các Khu Công nghệ cao khác. Tôi cho rằng, điểm khác lớn nhất đó là hoạt động R&D (nghiên cứu phát triển). Do đó, chúng ta phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, chính yếu của Khu trong thời gian sắp tới”.

Cũng tại buổi lễ, ông Tất Thành Cang đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng cho Khu Công nghệ cao TP.HCM vì những thành tích xuất sắc trong thời gian qua.